Nhan sắcThẩm Thúy Hằng đã thành biểu tượng một thời
Bà là một trong "tứ đại mỹ nhân" của điện ảnh Sài Gòn cùng với Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương và là tài tử sáng giá không chỉ ở miền Nam Việt Nam mà còn khắp các nước châu Á trong thập niên 1960, 1970.
Một sự nghiệp điện ảnh sáng chói
Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của cô gái có tên khai sinh là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1939 tại Hải Phòng nhưng người gốc miền Nam.
Thân phụ của bà là một viên chức trong chính quyền quốc gia Việt Nam ra Bắc công tác một thời gian nên Thẩm Thúy Hằng được sinh ra ở Hải Phòng. Sau đó, gia đình chuyển về An Giang sinh sống.
Bố mất năm 13 tuổi, sau khi học xong cấp I ở Long Xuyên, Thẩm Thúy Hằng lên Sài Gòn sống với người chị gái và theo học Trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định cho đến hết năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ).
Ảnh chụp Thẩm Thúy Hằng được coi là chuẩn mực về ảnh chân dung nghệ sĩ qua dáng ngồi, cử chỉ, gương mặt, ánh mắt và thần thái - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU
Con đường đưa Thẩm Thúy Hằng đến với điện ảnh là một sự tình cờ khi bà được cô bạn thân động viên đi thi cuộc thi tuyển lựa diễn viên điện ảnh của Hãng Mỹ Vân để đóng vai chính trong bộ phim Người đẹp Bình Dương (kịch bản và đạo diễn: cố NSND Nguyễn Thành Châu).
Giữa hơn 2.000 thí sinh dự thi với nhiều gương mặt sau này cũng thành danh như Kim Vui, Khánh Ngọc, Trang Thiên Kim, Mộng Tuyền, Thu Trang…, cô gái 16 tuổi Kim Phụng đã đoạt giải nhất và được chọn đóng vai chính Tam Nương, khởi đầu cho một sự nghiệp điện ảnh sáng chói kéo dài gần hai thập niên sau đó.
Cái tên Thẩm Thúy Hằng do chính cô nghĩ ra vì Hãng Mỹ Vân muốn cô có một nghệ danh khác, bởi cái tên Kim Phụng trùng tên với một nghệ sĩ cải lương thời đó.
Dù Người đẹp Bình Dương không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, giới báo chí giải trí thời đó đều cho rằng bộ phim có công lớn vì phát hiện ra một nhan sắc tuyệt mỹ cho điện ảnh Sài Gòn. Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với biệt danh "Người đẹp Bình Dương" từ dạo ấy.
Sau Người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục được đóng vai chính trong Áo dòng đẫm máu (1958) diễn cùng Vân Hùng và La Thoại Tân, Oan ơi ông địa (1961), Tơ tình (1963) và Bóng người đi (1964)…
Đây đều là những bộ phim về đề tài tôn giáo hoặc cổ tích, dân gian vốn đang là xu hướng của điện ảnh Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950, đầu 1960. Diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng trong những bộ phim này thường được gắn với cụm từ "bình hoa di động" hơn là một nữ tài tử biết diễn xuất.
Thời kỳ vàng son của Thẩm Thúy Hằng kéo dài trong một thập niên từ 1965-1975.
Đó là giai đoạn mà bà đóng liên tiếp trong hàng chục bộ phim, có hãng phim riêng (Việt Nam film) và cho ra đời rất nhiều phim tâm lý, lãng mạn thành công lớn về doanh thu như Chiều kỷ niệm (một trong những phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam), Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, Như hạt mưa sa, Nàng, Ngậm ngùi, Sóng tình, Tứ quái Sài Gòn, Năm vua hề về làng, Điệp vụ tìm vàng, Giỡn mặt tử thần - một trong những bộ phim cuối cùng của điện ảnh miền Nam trước 1975.
Trong thời kỳ này, nhan sắc ngày càng rực rỡ của Thẩm Thúy Hằng được nhiều ký giả Sài Gòn thời ấy so sánh với Elizabeth Taylor, người đàn bà mắt tím của Hollywood.
Thông tin Thẩm Thúy Hằng qua đời vào 20h10 ngày 6-9 tại TP.HCM khiến công chúng nhiều thế hệ xôn xao, tìm xem lại những hình ảnh vang bóng một thời của bà. Trong ảnh: Thẩm Thúy Hằng năm 1975 - Ảnh tư liệu
Cuối đời ở ẩn
Hai đạo diễn mà Thẩm Thúy Hằng hợp tác thành công nhất là Lê Mộng Hoàng và Bùi Sơn Duân với thể loại phim lãng mạn kể về cuộc đời những người phụ nữ đẹp có cuộc đời truân chuyên. Với các bộ phim do Hãng Việt Nam film của Thẩm Thúy Hằng sản xuất, bà luôn đóng vai chính và lấn át các diễn viên khác.
Trên tờ tạp chí Sống phát hành năm 1971, mục Điện ảnh, khi bình luận về bộ phim Ngậm ngùi, tờ báo này đặt câu hỏi: "Thẩm Thúy Hằng có cần nhất thiết phải giữ hai vai một lúc không?... Khán giả xem mãi phát ngán, vì có người cho biết ‘nếu mỏi mắt nhắm lại một tí, mở mắt ra lại thấy Thẩm Thúy Hằng ngay’.
Trong 600 plan film thì hơn 500 plan film dành cho tài tử Thẩm Thúy Hằng mất rồi". Cho dù chỉ trích như vậy, tờ báo cũng không phủ nhận bà xuất sắc nhất trong bộ phim tâm lý bi kịch này: "Thẩm Thúy Hằng đã diễn xuất hay hơn bao giờ hết trong Ngậm ngùi".
Với phim Nàng, lần lượt những tài tử nam tài năng như Trần Quang hay La Thoại Tân cũng chỉ làm nền cho Thẩm Thúy Hằng. Chính phong thái ngôi sao này khiến các nam tài tử rất ngại đóng chung với bà, trong khi giới ký giả thì tìm cách gây hiềm khích giữa Thẩm Thúy Hằng với những ngôi sao nữ khác như Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Nga…
Chính kỳ nữ Kim Cương, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tôi cũng cho rằng những hiểu lầm giữa bà và Thẩm Thúy Hằng đều do báo chí "giật dây". Về sau, giữa hai bà giữ một mối thâm tình kéo dài đến tận bây giờ.
Trong một thập niên cuối cùng của điện ảnh miền Nam, có thể nói Thẩm Thúy Hằng là tên tuổi sáng giá nhất và ăn khách nhất. Bà xứng đáng là "ảnh hậu" của điện ảnh miền Nam giai đoạn 1954-1975, bởi xét về nhan sắc và sự nổi tiếng, có lẽ không ai vượt qua được Thẩm Thúy Hằng.
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng là một trong ít tên tuổi của điện ảnh miền Nam trước 1975 quyết định ở lại và sinh sống ở Sài Gòn. Giai đoạn sau năm 1975, bà xuất hiện trong một số phim của điện ảnh miền Bắc quay tại Sài Gòn, điển hình là bộ phim hai tập Nơi tình yêu bắt đầu, đóng chung với Thế Anh, Bích Liên nhưng cũng chỉ là một vai phụ.
Những năm tiếp đó, Thẩm Thúy Hằng gần như ở ẩn, chỉ giữ mối quan hệ với một vài người bạn thân, trong đó có Kim Cương. "Sau này Thẩm Thúy Hằng trở thành phật tử tu tại gia. Tôi hay nói với bà là đôi lúc nghịch duyên nó hỗ trợ cho tu tập.
Bà ấy ăn chay trường, làm từ thiện và sống những năm tháng cuối đời thanh thản, không có gì hối tiếc" - NSND Kim Cương kể về người bạn và người đồng nghiệp thân thiết cùng thời với mình với một chút ngậm ngùi.
Và ngày 6-9 vừa qua, Thẩm Thúy Hằng đã lặng lẽ rời cõi tạm, để lại đằng sau một cuộc đời lắm hào quang nhưng cũng không ít truân chuyên.
Xin vĩnh biệt một giai nhân của điện ảnh Sài Gòn xưa!
* NSND Kim Cương: "Tôi và Thẩm Thúy Hằng gắn bó với nhau cả 50 năm trời, có nhiều kỷ niệm vui buồn, từ lúc cùng làm phim trước 1975 riết tới sau 1975 đóng kịch với tôi trong đoàn Kim Cương. Nên nghe tin Hằng mất tôi bải hoải cả người... Thẩm Thúy Hằng đẹp thì khỏi phải bàn, tánh tình rất hồn nhiên, không biết toan tính hại ai hết, sống rất nhẹ nhàng...".
* Nghệ sĩ Hữu Châu: "Ấn tượng của tôi về cô Hằng là một người tập tuồng rất nghiêm túc. Cách cô diễn rất chân phương, mộc mạc. Cô vui lắm, nói chuyện suốt. Nhìn cô lúc nào cũng thấy một con người có tinh thần rất tích cực, có vẻ như không chuyện gì có thể khiến cô đau khổ được".
LINH ĐOAN ghi
Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh tại Liên hoan phim Châu Á năm 1964
Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh là hai nữ tài tử đều được điện ảnh tình cờ phát hiện trong cùng một năm (1957) và đóng phim cho đến năm 1975. Bà cũng là nữ tài tử đóng chung với nhiều ngôi sao nước ngoài nhất.
Nếu Kiều Chinh hay đóng chung với các ngôi sao Hollywood nhờ khả năng tiếng Anh thì Thẩm Thúy Hằng thường diễn xuất chung với các ngôi sao châu Á như Wen Tao (Đài Loan), Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Lệ Hoa, Trịnh Phối Phối (Hong Kong)…
Thẩm Thúy Hằng đã hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Đại hội điện ảnh Á châu tổ chức ở Đài Bắc, Ảnh hậu tại Đại hội điện ảnh Á châu tổ chức tại Hong Kong (1972, 1974)…
TTO - Chiều 7-9, bà Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - xác nhận với Tuổi Trẻ Online thông tin diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng đã qua đời vào 20h10 ngày 6-9 tại TP.HCM.
Xem thêm: mth.3394357080902202-nog-ias-hna-neid-auc-ym-teyut-cas-nahn-gnah-yuht-maht/nv.ertiout