Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 435,98 điểm (1,40%) vào cuối ngày ở mức 31.581,28. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83% lên 3.979,87. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,14% lên 11,791,90, kết thúc chuỗi giảm 7 ngày, lâu nhất từ năm 2016. Cả 3 chỉ số chính đều kết thúc gần mức cao nhất trong phiên giao dịch hôm 7/9.
Hầu hết mọi lĩnh vực trong chỉ số S&P 500 đều tăng trưởng tích cực hôm 7/9, ngoại trừ năng lượng, vốn giảm do giá dầu.
Chứng khoán tăng điểm khi Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard tái khẳng định rằng ngân hàng trung ương sẽ làm cố gắng hết sức để kiềm chế lạm phát, đồng thời cũng lưu ý “những rủi ro do thắt chặt quá mức”. Nhiều nhà giao dịch đã nhắm vào câu nói này trong bài phát biểu của bà.
Hợp đồng tương lai giảm sau khi một bài báo trên Wall Street Journal cho rằng cam kết giảm lạm phát của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell có thể đồng nghĩa với việc Fed sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 lên 0,75 điểm phần trăm trong tháng 9.
Hôm 7/9, Fed đã đưa ra bản báo cáo Beige Book về các điều kiện kinh tế hiện tại, trong đó cho thấy hoạt động kinh tế ít thay đổi ở nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ và triển vọng tăng trưởng vẫn còn yếu, trong khi lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách bớt sốt sắng hơn.
Thị trường chứng khoán đã gặp khó khăn gần đây khi lợi suất kho bạc giao dịch quanh mức cao nhất kể từ tháng 6. Tháng 9 là tháng khó khăn nhất đối với thị trường từ trước tới nay. Mọi con mắt đều đổ dồn vào mức 3.900 của chỉ số S&P 500. Một số cho rằng chỉ số này sẽ còn giảm xuống mức thấp hơn nữa, trong khi những người khác kỳ vọng một đợt phục hồi vào cuối năm nay.
“Việc chứng khoán trở lại mức thấp nhất trong tháng 6 và tỉ giá được thiết lập lại cao hơn, lạm phát nới lỏng hơn, cùng với sự can thiệp của EU để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng có thể tạo ra một đợt “đầu cơ xuống giá”, ông Emmanuel Cau, Trưởng bộ phận Chiến lược vốn châu Âu tại Barclays viết trong một ghi chú hôm 7/9. “Nhìn chung, chúng tôi cho rằng chứng khoán vẫn ở trong tình trạng khó khăn do chính sách tăng trưởng kém”.
Về tiền tệ, đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất so với USD (1,14 bảng/USD) kể từ năm 1985.
Đồng USD mạnh lên đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy dự trữ giảm tương đương 49,2 tỷ USD xuống còn 3,0549 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 8.
Giá dầu lao dốc, với giá dầu WTI chuẩn Mỹ giảm 5,27% xuống còn 82,30 USD/thùng. Dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giảm 5,02% xuống còn 88,17 USD/thùng.
Vàng tăng cao hơn 0,88% lên 1.727,90 USD/ounce. Lợi suất kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 8 điểm cơ bản xuống còn 3,26%.
Bitcoin tăng 1,01% lên 19.055,55 USD.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Business Insider)