Sáng 8-9, trung tâm LIFE phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác giữa cộng đồng và y tế trong ứng phó dịch HIV/AIDS tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, ThS-BS Võ Hải Sơn - Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về tình dịch HIV/AIDS và các giải pháp hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Theo đó, ước tính số nhiễm HIV toàn quốc là 242.000 ca. Riêng năm 2021, số nhiễm HIV phát hiện mới là 13.223 ca, trong đó số tử vong báo cáo là 1.856 ca.
Ths Võ Hải Sơn chia sẻ về tình dịch HIV/AIDS và các giải pháp hướng đến chấm dứt dịch bệnh vào năm 2030. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Theo BS Võ Hải Sơn, tỉ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn. Tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm trở thành đường lây chính.
Đáng chú ý, giai đoạn đầu dịch HIV chủ yếu tập trung trong nhóm người nghiện ma túy và phụ nữ bán dâm. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, HIV có xu hướng thay đổi về đối tượng, giới tính, độ tuổi. Cụ thể, HIV lây lan nhanh trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới và có xu hướng trẻ hóa.
Trước tình hình dịch lây lan nhanh, năm 2020, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi bổ sung trong Phòng chống HIV/AIDS. Trong đó nhấn mạnh ngăn chặn dịch HIV trong nhóm mới nổi, đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Ngoài ra cũng trong năm này, chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia kết thúc chống HIV/AIDS vào năm 2030.
“HIV là dịch bệnh đặc thù, khác với tất cả các dịch bệnh khác về đường lây, hình thái lâm sàng,… Một người nhiễm HIV phải đến 5-7 năm sau mới biểu hiện triệu chứng nên việc phát hiện sớm rất khó khăn. Do vậy, tổ chức cộng đồng (TCCĐ) là cầu nối quan trọng trong việc tiếp cận sớm với nhóm nguy cơ này, khi họ chưa cần đến các cơ sở y tế” - BS Sơn nhấn mạnh.
Hội thảo với hơn 250 đại biểu từ các bên liên quan tham gia. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Ngoài ra, TCCĐ còn có vai trò cung cấp sớm các dịch vụ như: Xét nghiệm HIV tại nhà, kết nối dịch vụ điều trị dự phòng, kết nối những người nguy cơ cao và người nhiễm HIV đến các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ chăm sóc và điều trị.
Cũng theo BS Sơn, một trong những chiến lược quốc gia hướng đến chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030 là huy động cộng đồng tham gia. Tạo môi trường chính sách và cơ chế tài chính thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, nâng cao năng lực và vận động để các tổ chức xã hội tham gia có hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS.
PGS TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đánh giá: “Sự đa dạng về mô hình dịch vụ và tính sáng tạo của các TCCĐ sẽ thúc đẩy nhanh việc bao phủ các dịch vụ HIV/AIDS cho các nhóm đích và đạt được các ngưỡng tiêu chuẩn khống chế dịch HIV/AIDS trong thời gian tới”.
Các TCCĐ do LIFE hỗ trợ phát hiện khoảng 4.000 trường hợp HIV mới mỗi năm và kết nối gần 98% số này vào điều trị HIV. Tỉ lệ phát hiện ca nhiễm HIV từ các dự án của LIFE đóng góp từ 40% đến 60% tổng ca nhiễm HIV được tìm thấy ở các tỉnh LIFE hoạt động.