Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ trong nhóm 5 đến dưới 12 tuổi tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tháng 9 có 1,8 triệu liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong các ngày 12 và 15-9 tới sẽ có 1,2 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 dành cho người từ 12 tuổi trở lên về đến Việt Nam, bổ sung cho nhu cầu vắc xin gia tăng trong thời điểm dịch COVID-19 cũng gia tăng trở lại.
Bên cạnh đó, cuối tháng 9 này cũng sẽ có thêm 600.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 dành cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi về Việt Nam, bao gồm vắc xin Pfizer và Moderna. Tất cả các lô vắc xin này đều do Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tặng cho Việt Nam.
Cho đến nay Việt Nam đã tiêm trên 257 triệu mũi vắc xin COVID-19, nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi có tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp nhất trong các nhóm tuổi, nhưng cũng đã có trên 85% trẻ được tiêm mũi 1.
7 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền hơn 135 triệu đồng
Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2022 đánh giá "việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng có chuyển biến tích cực".
Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.
Tiến hành kiểm tra tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021) về thực hiện quy tắc ứng xử, từ đó đã xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021).
Đặc biệt có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 135,3 triệu đồng. Trong đó Đà Nẵng 5 người nộp số tiền 131,1 triệu đồng và Trà Vinh 2 người với số tiền 4,2 triệu đồng (tính đến tháng 8-2022).
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu - Ảnh: PVN
EVN cần thêm than cho phát điện vào cuối năm
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị tăng cung cấp than cho điện.
Theo EVN, do tình hình thủy văn diễn biến bất thường với lưu lượng nước về một số hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình hiện ở mức rất thấp, chỉ tương đương 90%, ảnh hưởng đến cân đối cung cầu các tháng cuối 2022.
Do đó, dự kiến nhu cầu than cho các nhà máy điện ở mức khoảng 7,4 triệu tấn có thể tăng lên 8 triệu tấn và tăng cao hơn nếu lưu lượng nước về các hồ vẫn duy trì thấp. EVN cho rằng việc đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện trong các tháng cuối năm 2022 và mùa khô năm 2023 quan trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh cung cấp điện.
Đề nghị hỗ trợ tái định cư nhanh cho người chịu ảnh hưởng dự án Vành đai 3 TP.HCM
Ý kiến này đã được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các đơn vị sở ngành thực hiện khi đi khảo sát thực tế về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại huyện Hóc Môn mới đây.
Chủ tịch HĐND TP yêu cầu huyện Hóc Môn nói riêng và các địa phương quan tâm giới thiệu việc làm, hỗ trợ người dân làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bị giải tỏa để thực hiện dự án Vành đai 3.
Bà Lệ cũng lưu ý trước đây xảy ra một số vấn đề khi các dự án không đảm bảo ranh, mốc khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng, dẫn đến các vụ khiếu kiện, khiếu nại đó là một bài học.
Để không xảy ra những vụ khiếu kiện không đáng có, các sở, ngành phối hợp địa phương hoàn tất thủ tục pháp lý, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi đất sớm nhất có thể.
Sơ chế nông sản trước khi xuất bán đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây - Ảnh: M.V.
Bộ Nông nghiệp chọn Long An thực hiện kế hoạch sản xuất nông sản an toàn
Ngày 9-9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT) cùng Sở NN&PTNT Long An ký hợp tác thực hiện xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường.
Đây là một hoạt động của Bộ NN&PTNT trong thực hiện "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" của Chính phủ. Theo đó yêu cầu ngành nông nghiệp chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh".
Chương trình này là sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan là giảm được chi phí đầu vào, chuyên nghiệp hóa trong quá trình sản xuất, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm, định hướng theo một nền nông nghiệp tăng trưởng xanh.
Vietravel Airlines "nhảy" vào mảng vận chuyển hàng hóa
Hãng bay Vietravel Airlines của đại gia du lịch Nguyễn Quốc Kỳ vừa ký hợp tác với Asean Cargo Gateway (ACG) để tham gia mảng vận tải hàng hóa hàng không với tên gọi là Vietravel Airlines Cargo.
Theo thỏa thuận, tỉ lệ góp vốn tương ứng là 51% - 49% với mục tiêu góp phần làm đa dạng hoá các sản phẩm, hoàn thiện hệ sinh thái mà Vietravel Corporation đã đặt ra.
Với việc hợp tác lần này, Vietravel Airlines và ACG mong muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hoá, khai thác vận chuyển hàng hoá hàng không, đại lý hàng hoá cho các hãng hàng không trong khu vực.
Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho rằng thị trường hàng hoá hàng không còn khá nhiều tiềm năng, chưa được khai thác triệt để.
Đặc biệt, lo ngại về chuỗi cung ứng bị đứt gãy ngày càng tăng trong khi thị trường hàng hoá tại Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Châu Mỹ được đánh giá là khu vực có tăng trưởng GDP hàng năm cao nhất toàn cầu, các cơ sở sản xuất sẽ dần dịch chuyển về khu vực này bên cạnh công xưởng lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Trong năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các công xưởng lớn tại Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, trên đội tàu bay chuyên dụng B737-800F dành cho cargo với số lượng 2 - 4 chiếc trong năm đầu tiên và dự kiến tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.
Như vậy, sự bắt tay của Vietravel Airlines và ACG sẽ đẩy mạnh dịch vụ hậu cần vận tải hàng không, trở thành Cargo Airlines đầu tiên tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về kết nối quốc tế cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chủ lực. Trong khi đó, hãng bay vận tải hàng hóa IPP Cargo cũng đang hoàn thiện thủ tục cấp phép.
TTO - Bản tin chiều 8-9 của Bộ Y tế cho biết số mắc COVID-19 mới tiếp tục giữ ở mức cao, với 3.191 ca, thêm 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Đáng chú ý, số ca nặng tăng rất cao, lên 154 ca đang điều trị.