Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới?
Sau khi vươn lên vị trí nền kinh tế thứ 5 thế giới năm 2019 rồi lại rớt xuống vị trí thứ 6 chỉ 1 năm sau đó, các tổ chức quốc tế từng nhận định Ấn Độ khó có thể lấy lại vị trí này trước năm 2023. Bởi thế, việc Ấn Độ trở lại vị trí thứ 5 ở thời điểm này được đánh giá “điều kỳ diệu”.
Sự trở lại của Ấn Độ sau hai năm phải rời bỏ vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới xứng đáng được coi là thành tích ngoạn mục. Theo các tính toán của hãng tin Bloomberg dựa trên các số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố đầu tháng 9, quy mô của nền kinh tế Ấn Độ đã vượt Anh trong ba tháng cuối năm 2021 và quý đầu năm 2022. Theo đó, nền kinh tế Ấn Độ tính theo giá trị danh nghĩa đạt 854,7 tỷ USD, trong khi quy mô kinh tế Anh là 816 tỷ USD. Giá trị danh nghĩa là cách tính các đại lượng kinh tế bằng giá hiện hành. Và với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới, khoảng cách giữa nền kinh tế Ấn Độ và Anh sẽ tiếp tục được nới rộng trong vài năm tới. Còn theo một ước tính khác, do bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng SBI (Ấn Độ) tiến hành, nước này vẫn đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, dự kiến vượt Đức năm 2027 và Nhật Bản năm 2029.
Điều này gây ra ngạc nhiên lớn bởi Ấn Độ vừa mới trải qua 2 năm vật lộn trong dịch bệnh Covid-19, với nhiều hệ quả tồi tệ và dự báo còn có thể kéo dài. Vậy nhưng mọi việc thay đổi rất nhanh khi kinh tế Ấn Độ đã bước vào guồng quay mới. Có nhiều lý giải cho đột biến này. Trước hết, Ấn Độ đang nắm giữ tiềm năng tăng trưởng lớn về dài hạn. Với dân số gần 1,4 tỷ người, với đa phần là nhóm người trong độ tuổi trẻ, Ấn Độ có lợi thế về lực lượng lao động giá rẻ, và đây cũng là thị trường đầy tiềm năng cho tiêu dùng nội địa. Sau hai năm bị kìm hãm trong đại dịch, các tiềm năng tăng trưởng này đang được kích hoạt và gia tăng tốc độ. Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, tăng trưởng GDP của Ấn Độ ở mức 13,5%- mức tăng trưởng nhanh nhất trong 1 năm. Mốc tăng trưởng này có được là nhờ mảng tiêu dùng và báo hiệu sự hồi sinh của nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Đây là bằng chứng cho thấy Ấn Độ đang giữ vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Mặt khác, phải thừa nhận rằng Ấn Độ cũng đang có các chiến lược đúng để tận dụng các lợi thế hiện tại. Đó là các cải cách nội bộ nền kinh tế đang đi đúng hướng, việc áp dụng các chiến lược như "Make in India", chiến lược Ấn Độ Tự cường (Atmanirbhar Bharat) hay Chương trình Sáng kiến Liên kết Sản xuất (PLI), tập trung ưu đãi, phát triển các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ đang nổi lên, có hàm lượng kỹ thuật cao, cũng như đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu đang diễn ra.
Sự khác biệt căn bản của nền kinh tế Ấn Độ
Nếu nhìn cả quá trình dài hơn, cách đây một thập kỷ, nền kinh tế Ấn Độ chỉ xếp thứ 11 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ở vị trí top 5, có thể nhận thấy sự khác biệt căn bản của nền kinh tế Ấn Độ.
Giai đoạn 1 thập kỷ tăng trưởng vượt bậc vừa qua của Ấn Độ trùng với giai đoạn lãnh đạo đất nước của Thủ tướng Narendra Modi và đảng BJP cầm quyền. Đây cũng là thời gian Chính phủ Ấn Độ mạnh tay đưa ra các cải cách nhằm làm trong sạch bộ máy công quyền, đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo cải cách, chuẩn mực và minh bạch hơn. Ví dụ, thông qua cơ chế của Cơ quan Giám sát điều phối Bất động sản, chính phủ của Thủ tướng Modi đã "làm sạch" lĩnh vực nhà đất và buộc các nhà đầu tư, nhà thầu phải có trách nhiệm với lời hứa của mình. Ông Modi cũng ban hành chính sách nhằm minh bạch hóa quá trình đấu thầu giúp làm lành mạnh lĩnh vực khai thác mỏ. Lĩnh vực tài chính cũng được quan tâm chỉnh sửa. Thuế GST thay thế cho một mê cung các loại thuế vốn cản trở thương mại liên bang. Hàng ngàn công ty ma vốn để phục vụ cho gian lận tài chính cũng bị công khai và buộc phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, trong 8 năm qua, Chính phủ Ấn Độ cũng giám sát chặt diễn biến lạm phát trong nước với quan điểm rằng lạm phát tác động tới người nghèo nhiều nhất. Chính nhờ giám sát mà Ấn Độ đã có các biện pháp can thiệp hợp lý nhằm kéo lạm phát xuống dưới mốc 6%. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch, khi kinh tế lâm vào khủng hoảng vì các biện pháp chống dịch quyết liệt, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu bị đứt gãy mạnh, New Delhi cũng đã có các sáng kiến nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng tăng trưởng, hướng nền kinh tế Ấn Độ đi theo hướng phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc bên ngoài. Điển hình của chiến lược này là "Sáng kiến Ấn Độ Tự cường" nhằm xây dựng các ngành công nghiệp đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân trong bất cứ điều kiện nào.
Nhờ các chính sách đúng đắn, minh bạch và nhất quán trong thập kỷ vừa qua, Ấn Độ đã khơi dậy được các tiềm năng tăng trưởng, tạo sự tin tưởng với các nhà đầu tư về lâu dài. Đây chính là điểm then chốt để tạo nên bước tiến hôm nay.
Ấn Độ tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn
Việc có mặt trong top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới là thành công đáng khích lệ với Ấn Độ. Nó cho thấy những điểm mạnh để phát huy và những mặt yếu kém của nền kinh tế nước này. Mục tiêu từ nay tới cuối thập kỷ là Ấn Độ bước vào nhóm 3 nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Muốn làm được việc đó sẽ cần chuẩn bị rất nhiều. Trước hết, là nền kinh tế lớn của thế giới nhưng Ấn Độ vẫn đang là nước đang phát triển.
So với Anh, nước có dân số 68,5 triệu người, Ấn Độ hiện có khoảng gần 1,4 tỷ người, rõ ràng không có nhiều lợi thế so sánh khi xét về chiều sâu nội lực nền kinh tế. Với dân số gấp 20 lần nước Anh, bình quân GDP đầu người của Ấn Độ vì thế cũng thấp hơn rất nhiều, dù nước này đã vượt qua Anh trên bảng xếp hạng quy mô kinh tế. Điều này có nghĩa mức độ thụ hưởng thành quả phát triển của người dân Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều lần so với người dân Anh.
Một hàm ý nữa với Ấn Độ sau thành tích này là việc kinh tế nước này vẫn đang phát triển theo chiều rộng, dựa trên việc khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động, chưa nắm được các công nghệ chủ chốt của sản xuất hiện đại. Để cải thiện điều này, Ấn Độ có lẽ cần thêm thời gian và các chính sách mới để tối đa hóa tiềm năng và lợi thế./.