Một tiết dạy tăng cường tiếng Anh với giáo viên bản xứ tại Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Ảnh: MỸ DUNG
Theo thống kê đợt thi lấy chứng chỉ IELTS trong hè vừa qua, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến có đến 104 học sinh lớp 11 đạt điểm IELTS từ 7.0 trở lên, trong đó có 49 học sinh đạt trên 7.5 và có 13 học sinh đạt trên 8.0, một học sinh đạt 8.5 điểm.
Những em đạt điểm IELTS 8.0 trở lên như Trần Trọng Ân, Nguyễn Phúc Thành có điểm nghe đọc đạt điểm tuyệt đối đến 9.0.
Đặc biệt, em Trần Lê Gia Bảo, lớp 11A2, đạt điểm nghe tuyệt đối 9.0, đọc 8.5, viết 7.5 và nói 8.5 điểm. Điểm đáng nói, đa phần những học sinh này đều là học sinh từ tỉnh vào TP.HCM học tập với vốn tiếng Anh chưa nhiều vào thời điểm năm học lớp 10.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thầy Hoàng Thái Dương, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, cho biết nhà trường không bất ngờ về kết quả này bởi từ lâu thầy trò đã đầu tư bài bản cho việc dạy tiếng Anh hướng đến chứng chỉ IELTS quốc tế. Học sinh lớp 10, lớp 11 ở những lớp tăng cường tiếng Anh được đắm mình trong môn học này với thời lượng 10 tiết/tuần.
"Chiến lược của nhà trường là đẩy mạnh kỹ năng tiếng Anh dựa trên trình độ của mỗi học sinh bao gồm nghe, nói, đọc, viết chứ không bắt các em trở thành những cỗ máy làm bài.
Nhà trường tạo ra môi trường tiếng Anh để các em lấp đầy khoảng trống bao gồm cả kiến thức nền tảng, sau đó từ từ để các em nâng cao trình độ và tiếp xúc dần với sự lồng ghép, bổ trợ các phần của bài thi IELTS vào quá trình học để học sinh làm quen dần, phát triển kỹ năng.
Sự tiếp xúc với tiếng Anh của học sinh cũng đa dạng từ nghe - xem video, đọc sách, tiếp xúc với giáo viên bản xứ… với sự sắp xếp nhuần nhuyễn giữa giáo viên tiếng Anh người Việt và giáo viên tiếng Anh người bản xứ cũng như giáo viên chủ nhiệm".
Tuy nhiên, điều quan trọng không kém, theo thầy Hoàng Thái Dương, chính là ý thức tự học, trách nhiệm, động lực của mỗi học sinh. "Các em đều hiểu rằng trình độ tiếng Anh là chìa khóa để dẫn các em đến với những nguồn tri thức vô tận cũng như trao cho các em nhiều cơ hội để học tập, rèn luyện, đóng góp sức mình cho gia đình, xã hội…", thầy Dương nói.
Trong khi đó, cô Lê Thị Mỹ Hà - giáo viên tiếng Anh, người phụ trách nhiều tiết dạy môn học này - cũng cho rằng "bí kíp để học sinh có điểm IELTS nằm chính yếu ở người học và sự khích lệ động viên của thầy cô".
"Giáo viên chúng tôi bớt sự kỳ vọng, tạo áp lực lên học sinh và thay vào đó là sự động viên, khuyến khích, tạo ra môi trường tiếng Anh vui vẻ, thoải mái khi để bạn bè cùng trao đổi, cùng xem phim, cùng sinh hoạt… Tiếng Anh cứ thế thấm vào các em, làm các em cảm thấy như đang sinh hoạt, nên các buổi học khá vui vẻ", cô Mỹ Hà cho biết.
Là một học sinh đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu với vốn tiếng Anh "không nghe được giáo viên nước ngoài nói gì", sau 6 tháng "thấm đẫm trong môi trường tiếng Anh ở lớp, ở trường", Lưu Ngọc Bảo Kha - một học sinh được điểm IELTS 7.0 - cho biết em đã "nghe, nói ổn đến 80% và sau đó thì tiến bộ hẳn, không cảm thấy khó khăn gì với bài thi IELTS nữa".
"Khi đi thi em cảm thấy rất tự tin, không còn rụt rè gì nữa vì em thấy trình độ của mình đã nâng cao hơn rất nhiều! Tuy nhiên, điều quan trọng nhất bên cạnh môi trường thấm đẫm tiếng Anh tiếp cận IELTS chính là nỗ lực của chính học sinh", Bảo Kha trò chuyện với Tuổi Trẻ Online.
TTO - Đây là quy định trong Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Xem thêm: mth.21365017190902202-0-7-nert-stlei-meid-tad-11-pol-hnis-coh-401-oc-gnourt-iogn/nv.ertiout