Bốn "ông lớn" ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) và 11 nhà băng tư nhân có sức khoẻ tốt hoặc tham gia tái cơ cấu vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng 1-4% so với mức cũ.
Vietcombank - một trong hai nhà băng được thị trường kỳ vọng có dư địa tăng trưởng cao nhất - được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15% - ước tính còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Agribank dự kiến có khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường 4 tháng còn lại. Các ngân hàng khác có thêm vài nghìn tỷ đến 20.000 tỷ đồng cho vay...
Diễn biến này khiến nhiều người mua nhà và giới đầu tư địa ốc kỳ vọng có thể tiếp cận được vốn vay.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhìn nhận việc một số ngân hàng được nới room cho vay phần nào thắp lại tia hy vọng cho thị trường bất động sản. Vì từ tháng 5 đến nay, việc kiểm soát, thắt chặt tín dụng làm cho các giao dịch tài sản gặp nhiều khó khăn. Với động thái bật đèn xanh này, một số dự án sẽ rục rịch mở bán nhằm tranh thủ thời gian nới room tín dụng để chạy lại thị trường mãi lực yếu gần 6 tháng qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính bất động sản cũng cho rằng hạn mức nới thấp, dư địa cho vay còn ít sẽ không đủ đáp ứng hết lượng hồ sơ đăng ký vay tồn đọng, khó vực dậy thị trường đang trầm lắng.
Việc nới room tín dụng tại nhóm ngân hàng thương mại lớn chuyên về bán lẻ, theo ông Quang có thể tạo một số cơ hội cho người mua nhà, song mặt bằng chung các nhà băng vẫn tiếp tục thận trọng, hạn chế cho chủ đầu tư dự án trung cao cấp vay nên cơ hội không dành cho toàn bộ thị trường địa ốc.
Ông Quang phân tích, room tín dụng mở lại tương đối ít, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang kẹt vốn lưu động trong những tháng qua nên phần cho người mua nhà vay sẽ hạn chế. Room này dự kiến cũng sẽ hết sớm trong thời gian ngắn 8-12 tuần nên chỉ mang tính tượng trưng.
"Đây chỉ là tác động tâm lý giúp bất động sản đang héo úa chuyển sang tươi tỉnh lại đôi chút, nhưng không đóng vai trò giúp thị trường tăng tốc. Bất động sản vẫn sẽ khó trong những tháng giáp Tết", ông Quang dự báo.
CEO Việt An Hòa cũng cho rằng lãi suất cho vay hiện nay tương đối cao 11-12% một năm, cộng với việc mua bảo hiểm 1% mới được vay, trong bối cảnh thị trường địa ốc thanh khoản yếu, khó kiếm lợi nhuận hơn giai đoạn trước, nên đi vay đầu tư địa ốc thời điểm này có thể chưa đạt hiệu quả.
Ông Phan Công Chánh, CEO Phú Vinh Group, cũng cho rằng động thái nới room tín dụng tại một số ngân hàng trước mắt khơi thông tâm lý bế tắc cho thị trường địa ốc. Tuy nhiên, dư địa cho vay trong những tháng còn lại của năm không lớn nên bất động sản khó có cơ hội lách qua khe cửa hẹp để tiếp cận vốn vay như trước đây.
Ông Chánh nhận định, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm nay là kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khó lường, lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm cao, dự kiến cuối năm bất động sản sẽ khan tiền, khát vốn, đẩy thị trường vào thế khó.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát thận trọng cho rằng với dư địa cho vay không còn nhiều từ nay đến cuối năm, người mua bất động sản không dễ tiếp cận vốn vay như kỳ vọng.
Ông Nam xác nhận, từ cuối tháng 4 đến nay rất nhiều người mua nhà để ở gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay và đều đặt trong trạng thái chờ động thái giải ngân cho vay sắp tới của ngân hàng mới quyết định xuống tiền mua tài sản. Song giải ngân trong thời gian tới ra sao vẫn còn là dấu hỏi lớn.
CEO Nam Phát cho hay, cần chờ thêm các diễn biến cho vay bất động sản từ thị trường thực tế sau khi nới room như thế nào mới có thể đánh giá tác động. Nhưng với số lượng khá lớn khách mua nhà có nhu cầu thật đang chờ giải ngân thời gian qua, e rằng dư địa cho vay sắp tới khá khiêm tốn, không tương xứng với nhu cầu.
"Dòng vốn cho vay bất động sản khiêm tốn sẽ không đủ vực dậy thị trường, phân khúc phục vụ nhu cầu thật, giá vừa túi tiền có hy vọng trụ được, các loại đầu cơ khác càng khó khăn hơn vào cuối năm nay", ông Nam dự báo.
Vũ Lê