Sẽ giao Chính phủ quy định về tài sản ảo
Dự kiến trình và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, theo quy trình một kỳ họp, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã được đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào giữa tuần qua.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bên cạnh nhiều quy định kế thừa luật hiện hành, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có mở rộng đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền.
“Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...), phù hợp khái niệm của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) và quy định pháp luật hiện hành; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo.
Góp ý về đối tượng báo cáo (Điều 4), đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) băn khoăn khi điều này chỉ đề cập loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Vì thế, đại biểu Phước đề nghị làm rõ, còn có hình thức bảo hiểm khác có nguy cơ lợi dụng rửa tiền hay không? Vì các hình thức kinh doanh bảo hiểm đa dạng, số vốn lớn, nếu còn loại hình bảo hiểm có nguy cơ rửa tiền, thì Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nên giữ nguyên như Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, là “cung ứng dịch vụ bảo hiểm, đầu tư có liên quan tới bảo hiểm nhân thọ…”. Như vậy sẽ đầy đủ, chặt chẽ, tránh bỏ lọt tội phạm.
Vấn đề tiếp theo được vị đại biểu Quảng Nam đề cập là nguy cơ lợi dụng tiền ảo trong rửa tiền.
Nêu rõ, Nhà nước hiện chưa công nhận tiền ảo, tài sản ảo, nhưng Việt Nam đang là một trong những thị trường chơi tiền ảo lớn, đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất cao. “Tiền ảo, tài sản ảo được giao dịch trên toàn cầu, đã trở thành kênh rửa tiền của tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố”, ông Phước nhấn mạnh.
Vị đại biểu này nhận định, tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi “tiền bẩn” thông qua mô hình bất hợp pháp thành tiền sạch, chuyển thành các khoản tài trợ khủng bố thông qua mua bán, trao đổi tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.
“Thời gian gần đây, có nhiều đường dây đánh bạc rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, nhưng các hoạt động này nằm ngoài quy định pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Dự luật Phòng, chống rửa tiền hiện chưa quy định về tiền ảo, tài sản ảo. Tiền ảo, tài sản ảo vẫn lọt lưới rửa tiền, việc bổ sung quy định về tiền ảo, tài sản ảo là cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để tài chính bị lợi dụng rửa tiền, tham nhũng, tài trợ khủng bố”, đại biểu Phước nêu quan điểm.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) đã đưa thêm đối tượng báo cáo là kinh doanh tài sản ảo. Nhưng qua rà soát quy định của pháp luật, thì chưa có cơ quan quản lý cấp phép. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ trình Quốc hội giao Chính phủ quy định các đối tượng báo cáo mới và trước khi thực hiện sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Quy định quá đơn giản, khó xác định hành vi
Nhận xét Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã khắc phục được nhiều lỗ hổng của luật hiện hành, song đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng, vẫn cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể, theo đại biểu, Dự thảo Luật đưa ra các quy định giúp kiểm soát dòng tiền ra - vào, phòng ngừa hành vi rửa tiền và cơ bản kiểm soát dòng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Nhưng thực tế vẫn tồn tại giao dịch bằng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, thì chưa rõ căn cứ, công cụ và hành lang pháp lý để cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi rửa tiền, kể cả rửa tiền từ bên ngoài vào và từ trong nước ra ngoài.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, nếu có dấu hiệu tội phạm nguồn, thì cơ quan điều tra mới vào cuộc làm rõ. Lúc này, tội danh (nếu có) sẽ được xem xét gắn với tội danh khác, như tội hợp thức hóa tài sản.
Như vậy, vị đại biểu TP.HCM cho rằng, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền chỉ đạt được góc độ nào đó kiểm soát được hành vi rửa tiền của dòng tiền qua ngân hàng, còn các dòng tiền không qua kênh này thì khó kiểm soát được. Theo đó, đại biểu Đức nhấn mạnh, cần thiết kế quy định chặt chẽ hơn ở lĩnh vực này.
Đề cập các giao dịch đáng ngờ trong bất động sản, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính làm rõ hoạt động giao dịch. Có thể sẽ có những hành vi rửa tiền qua chứng khoán rồi rút tiền ra mua bất động sản, nên cần xác định nguồn gốc nguồn tiền dành mua bất động sản này.
Liên quan vấn đề trên, Điều 33, Dự thảo Luật quy định: “Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản
1. Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền, nhưng không có cơ sở pháp lý.
2. Khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả.
3. Khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân.
4. Giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá thị trường.
Quy định này, theo ông Đức là còn “đơn giản quá”, khó xác định được hành vi này có rửa tiền hay không.
Từ phân tích trên, đại biểu Đức cho rằng, cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thuế trong các giao dịch dạng này thông qua việc kiểm soát giao dịch bất động sản có ghi nhận, phát sinh thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…) để xác định giao dịch đáng ngờ, từ đó xác định có hành vi rửa tiền hay không.
Đại biểu cũng đề nghị cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước để các giao dịch đáng ngờ được xác minh.
“Thực tế, có hiện tượng người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, nếu họ không giao dịch qua ngân hàng mà qua kênh khác, thì việc này phòng, chống rửa tiền thế nào? Cần quy định chặt chẽ hơn để chống rửa tiền ở các giao dịch dạng này”, đại biểu Nguyễn Minh Đức góp ý.
Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là dự án luật khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
Quy trình rút gọn này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Xem thêm: lmth.77341000042210202-neit-aur-ioul-tol-sdb-oa-neit-ol-ioh-couq-ueib-iad/nv.semitaer