Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Đây cũng là nội dung sẽ được thảo luận tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khai mạc vào sáng nay (12/9).
19 người đứng đầu bị xử lý, thu hồi 10.327 tỷ đồng
Chính phủ khẳng định công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết ủa quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC đã khẳng định: “Công tác PCTN,TC đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo quyết liệt, đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” tạo bước đột phá trong công tác PCTN,TC.
Chính vì vậy, năm 2022, công tác PCTN,TC tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước.
Đề cập việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình, Chính phủ đánh giá có chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.
3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được tiến hành, qua đó phát hiện 283 vụ việc và 386 người vi phạm (tăng 2,6% số vụ và số người so với năm 2021). Có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 135,3 triệu đồng.
Qua xác minh tài sản, thu nhập cũng có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người).
Toàn ngành Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 51.657 tỷ đồng, 12.004 ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 384 vụ, 196 đối tượng. Toàn ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện 5.127 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 130.305 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 46%).
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 131 tỷ đồng, 117,5 ha đất; kiến nghị xử lý 428 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 24 vụ, 46 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng; chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Trong khi đó, các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước); đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.
Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ/1.095 bị can. TAND các cấp xét xử 285 vụ/680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân, 27 bị cáo lĩnh án từ trên 15 năm đến 20 năm tù.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, Chính phủ cho biết, số việc có điều kiện thi hành là 2.785 với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng. Trong đó đã thi hành xong 1.493 việc (đạt 53,61%) với số tiền hơn 10.327 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%).
“Hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, khó lường hơn”
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳn thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Đó là công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Các biện pháp phòng ngừa chưa được phát huy toàn diện.
Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN,TC vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ, một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.
“Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét” – báo cáo nêu rõ.
Một trong những nguyên nhân được đề cập là thu nhập, cuộc sống của cán bộ công chức, viên chức, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ ở cơ sở còn khó khăn; một bộ phận thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa được giám sát thường xuyên nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để.
Xác định PCTN, TC vẫn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, Chính phủ nhận định, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp. Từ thực tế trên, Chính phủ cũng đề ra nhiều giải pháp, đồng thời kiến nghị tới Quốc hội nhiều vấn đề để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới./.
Xem thêm: vov.700559tsop-cougn-oad-eht-gnohk-eht-ux-hnaht-ort-gnuhn-maht-gnohc-gnohp/gnourt-iht/et-hnik/nv.vov