Theo hãng tin Sputnik, nghiên cứu mới nhất của một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha chỉ ra rằng não những người đàn ông lần đầu làm cha sẽ trải qua một số thay đổi về cấu trúc, với thể tích vỏ não co lại để đáp ứng sự ra đời của đứa con đầu lòng.
Các nhà khoa học đã tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI não của những người đàn ông lần đầu làm bố ở Mỹ và Tây Ban Nha trước, trong lúc vợ họ mang thai cũng như sau khi đứa bé được sinh ra và so sánh chúng với kết quả chụp MRI của một nhóm những người đàn ông không có con để có độ chính xác cao hơn.
Kết quả cho thấy những người đàn ông có con đầu lòng mất trung bình 1%-2% thể tích não bộ cũng như khối lượng hệ thống thị giác. Phần vỏ não liên quan được cho là có trách nhiệm kiểm soát cảm xúc cũng như sự chấp nhận và tình cảm của người cha đối với con mình.
Tuy nhiên, việc phần vỏ não này bị teo lại không nhất thiết có nghĩa những người đàn ông này sẽ không còn khả năng sử dụng một trong hai chức năng trên.
Một phần thể tích vỏ não của nam giới sẽ "co lại" sau khi đứa con đầu lòng được sinh ra. Ảnh: SPUTNIK |
Theo các nhà khoa học, quá trình này được gọi là "cắt tỉa khớp thần kinh", cho thấy sự giải cấu trúc của một số kết nối thần kinh hiện có để hỗ trợ việc chủ động tạo ra những kết nối mới cần thiết, chẳng hạn như một số kỹ năng làm cha mẹ cơ bản và sự gắn bó với con đầu lòng.
Những phát hiện mới trên đã giúp giải thích một số nghiên cứu trước đây cho thấy nam giới cũng có thể bị trầm cảm sau sinh ở một mức độ nào đó, giống như phái nữ.
Các phát hiện này cũng tương quan với một nghiên cứu năm 2020 cho thấy nam giới trở thành cha sẽ thực hiện nhiệm vụ ghi nhớ thị giác tốt hơn những người đàn ông không có con, có lẽ nhờ vào những thay đổi liên tục đối với hệ thống thị giác trong vỏ não.
"Những phát hiện này cho thấy vai trò độc đáo của hệ thống thị giác trong việc giúp các ông bố nhận biết con mình và đưa ra những phản ứng tương ứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và xác nhận giả thuyết này trong tương lai" - nhóm nhà khoa học chia sẻ.