Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế.
Ông đánh giá, tình hình địa chính trị thế giới một tháng qua nhiều thay đổi, biến động nhanh, phức tạp. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Các yếu tố này ảnh hưởng trước mắt và lâu dài tới kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng nói, Việt Nam "không bó tay, ngồi chờ", mà chủ động tìm hướng đi trong thế bị động, tìm sự ổn định trong chuyển đổi, xáo trộn... để đảm bảo giữ vững các mục tiêu kinh tế vĩ mô và phát triển.
Thủ tướng cũng đánh giá, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn bất ổn, đối diện rủi ro, suy thoái. Lạm phát được kiểm soát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ... trong nước ổn định.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các cân đối lớn nền kinh tế 8 tháng qua vẫn đảm bảo, trong đó thu ngân sách tăng hơn 19%, ước đạt xấp xỉ 86% dự toán. Xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Thị trường lao động phục hồi sau dịch. Quý III, nếu không có thay đổi lớn, dự kiến tăng trưởng GDP đạt trên 7%.
"Tăng trưởng cả năm dự kiến sẽ vượt mục tiêu 6-6,5%, nếu nỗ lực thì có khả năng cao hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam xếp thứ hai thế giới, tăng 12 bậc.
Các tổ chức quốc tế khác, như WB, IMF... đều nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF), đánh giá Việt Nam đang phục hồi, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá được giữ ổn định.
"Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô và đang làm rất tốt. Các điều kiện tài chính cũng được điều hành chặt chẽ", ông nhận xét và cho hay Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á được IMF nâng dự báo tăng trưởng.
Cũng ấn tượng với tốc độ hồi phục kinh tế Việt Nam sau dịch, ông Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong quý III nhờ ngành công nghiệp hồi phục vượt bậc.
Nhưng lạm phát vẫn có thể là rủi ro với kinh tế Việt Nam, theo ông Andrea Copppla.
Ông gợi ý Việt Nam cần chính sách tài khoá hợp lý để xử lý những khoản đầu tư công, đảm bảo vững chắc nền tài chính quốc gia và cần xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, bởi "cải cách cơ cấu là tiền đề quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, góp phần tạo nền tảng tự cường cho nền kinh tế".
Những rủi ro, thách thức cho kinh tế Việt Nam những tháng cuối và đầu năm sau cũng được cơ quan ngành kế hoạch nhận diện. Theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; quản lý phát triển đô thị còn bất cập. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, chưa phát triển được công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ thống công nghiệp phụ trợ.
Cùng đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số chính sách có độ trễ trong triển khai thực tế.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư đề nghị, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, phản ứng chính sách nhanh chứ không chỉ "chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng hoặc đề xuất từ các cơ quan khác".
Ông Dũng nhấn mạnh việc tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, vì đây cũng là điều kiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách tài khoá, tiền tệ cần chủ động thích ứng, giảm thiểu tối đa độ trễ để vừa hỗ trợ kinh tế, kiềm chế lạm phát, và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, góp phần tránh tâm lý kỳ vọng.
Với các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá như xăng dầu, giáo dục, y tế..., ông Dũng đề nghị các cơ quan điều hành rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động tới lạm phát, người dân.
Về tổng thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang xây dựng nghị quyết của Chính phủ về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế. Sau hội nghị hôm nay, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để chỉ đạo các vấn đề cấp bách và sau đó là Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo toàn diện hơn.
Anh Minh