Chiều 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế lớn.
Cần kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt
Phát biểu tại hội nghị, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đi vào vấn đề rất nóng bỏng hiện nay là cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước qua hạn mức (room) tín dụng. "Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng, tôi cho là rất thích hợp. Tuy nhiên, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình bỏ room tín dụng trong tương lai. Còn trước mắt, duy trì room tín dụng là rất quan trọng" - ông Phước bày tỏ.
Theo ông Trương Văn Phước, kiềm chế lạm phát đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỉ giá là ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiên định chủ trương ổn định tỉ giá.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị phải mạnh mẽ hơn trong vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đem lại sự lành mạnh hơn để điều hành chính sách tiền tệ thuận lợi hơn. "Từ đó giúp chúng ta mạnh mẽ xóa bỏ room tín dụng trong thời gian tới. Còn hiện nay, điều hành room của chúng ta là cần thiết" - ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
GS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết quan điểm kiên định chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt chứ không phải thắt chặt. "Chúng ta cần bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng" - ông kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh đầu tư công phải "bơm máu" ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công "bơm" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên ngân hàng, thị trường tài chính. "Căng thẳng về room tín dụng gần đây không hẳn là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa" - ông Thiên phân tích.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề thế giới đang trong thời kỳ bất ổn. "Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 thế giới là "mùa đông kinh tế 2023". Tôi cho rằng bây giờ đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực" - ông Lịch góp ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC
Không phải đưa tiền ra nhiều hay ít!
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải bám sát tình hình thực tiễn để có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. "Đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không? Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả" - Thủ tướng phát biểu.
Về các quan điểm định hướng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Có phương án, kịch bản điều hành cụ thể, thường xuyên cập nhật để bảo đảm đáp ứng kịp thời sự biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng khái quát nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm ổn định tỉ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng trưởng tín dụng hợp lý. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hỗ trợ tích cực, hiệu quả chính sách tiền tệ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí phù hợp. Tăng cường quản lý nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công. Đặc biệt, cần tăng cường công khai, minh bạch, phát triển ổn định, lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, trong đó sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống như xăng dầu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng…
Cam kết hỗ trợ phát triển năng lượng
Phát biểu tại hội nghị, ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), cho biết nhiều công ty Hàn Quốc sẵn sàng và mong muốn đầu tư vào công nghệ xanh tại Việt Nam. Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shimizu Akira cho hay chính phủ và các công ty Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ các dự án, làm sao có nguồn năng lượng ổn định trong tương lai. "Nguồn quỹ ODA hiện nay lãi suất thấp gần như bằng 0%, thậm chí không hoàn lại nên chúng ta cần tận dụng"- ông Shimizu Akira nói.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cũng cho biết ADB sẽ luôn đồng hành với Chính phủ Việt Nam để nghiên cứu chính sách khả thi liên quan đến ngành năng lượng của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) dẫn lời ông John Kerry - Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, vừa đến Việt Nam - đã nói cần phải đưa ngành tài chính của khu vực tư nhân vào trong các cuộc thảo luận chuyển đổi sang năng lượng sạch, xanh. Các công ty của Mỹ muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi này của Việt Nam.
Xem thêm: mth.73883722221902202-gnourt-gnat-yad-cuht-av-tahp-mal-taos-meik/et-hnik/nv.moc.dln