Theo quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu, nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu phải đáp ứng điều kiện gồm có chứng chỉ năng lực đối với công trình đường bộ; phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét; nguồn lực tài chính phải đáp ứng yêu cầu; doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất phải tương đương với giá gói thầu đang xét.
Ngoài ra, nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu để triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ. Trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.
Trường hợp liên danh để tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh (theo các tiêu chí nêu trên).
Mặt khác, Chính phủ yêu cầu phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ. Từ thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 cho thấy, nếu phân chia với phạm vi khoảng 20-40km/gói thầu sẽ có giá trị dự kiến khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, khi đó một gói thầu thi công xây dựng khoảng 3 nhà thầu liên danh sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư.
Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000-15.000 tỷ đồng, theo số liệu khảo sát về nhà thầu xây lắp, trong 5 năm gần đây sơ bộ đánh giá chỉ có một nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 3.642 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỷ đồng. Trường hợp mở rộng 10 năm gần đây, có một nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 5.715 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 11.430 tỷ đồng.
Các nhà thầu được khảo sát còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có quy mô từ 5.000-15.000 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu độc lập, mà phải thành lập tổ hợp (liên danh khoảng 5-10 nhà thầu) mới đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để tham gia gói thầu.
Không chia nhỏ gói thầu
Nhằm đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các nhà thầu, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20-40km/gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng (12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu); số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.
Với số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, do đó một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn một gói thầu (nếu đáp ứng năng lực thực hiện). Đồng thời, việc phân chia gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng tương ứng với hợp đồng tư vấn giám sát có giá trị khoảng 20-40 tỷ đồng, sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn giám sát của Việt Nam hiện nay.
Để triển khai các công việc tiếp theo đáp ứng tiến độ yêu cầu và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu năng lực, kinh nghiệm nhà thầu và phân chia gói thầu xây lắp có quy mô khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng để lựa chọn nhà thầu.
Bộ GTVT sẽ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng và đăng tải công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá khả năng thực hiện; tìm kiếm đối tác đủ điều kiện, đáp ứng tiêu chí để liên danh đăng ký tham gia gói thầu (gửi đơn đề nghị tham gia cho bên mời thầu).
Trên cơ sở danh sách các nhà thầu đăng ký, bên mời thầu tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm; xác định danh sách nhà thầu đủ điều kiện nhận hồ sơ yêu cầu, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu.
Căn cứ phạm vi gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn lập dự toán; chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu; phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu trong danh sách để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất; tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu./.
Nghị định mới quy định, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, GPMB và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Xem thêm: vov.663559tsop-oan-ihc-ueit-gnuhn-oav-aud-uaht-hnid-ihc-2-naod-iaig-man-cab-cot-oac/et-hnik/nv.vov