Armenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau về các cuộc giao tranh mới nhất quanh vùng Nagorno-Karabakh - Ảnh: TASS
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Armenia ngày 13-9, Thủ tướng Pashinyan cho biết Baku (tên thủ đô Azerbaijan) đã tấn công các vị trí đóng quân của Armenia trong đêm và giao tranh vẫn đang diễn ra.
Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho nhau về các cuộc đụng độ ở biên giới mới nhất.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết Azerbaijan đã tiến hành các cuộc pháo kích dữ dội nhằm vào các vị trí quân sự của nước này dọc theo các thành phố Goris, Sotk và Jermuk từ lúc 0h5 sáng 13-9 (giờ địa phương).
Armenia cũng tố Azerbaijan đã sử dụng máy bay không người lái.
Ngược lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc Armenia tấn công các vị trí quân sự gần biên giới, trong đó có các quận như Dashkesan, Kelbajar và Lachin.
Azerbaijan cũng xác nhận có binh lính nước này thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với phía Armenia, song không đưa ra con số cụ thể, theo Hãng tin AFP.
Tối 12-9, Mỹ đã kêu gọi các bên chấm dứt xung đột. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về tình hình, bao gồm "các cuộc tấn công nhằm vào các khu định cư và cơ sở hạ tầng dân sự" tại Armenia.
"Như chúng tôi đã nói rõ từ lâu, không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch quân sự", ông Blinken nhấn mạnh.
Ngày 13-9, Armenia đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới giúp đỡ, cho biết các lực lượng Azerbaijan đang cố tiến vào lãnh thổ nước này.
Theo Chính phủ Armenia, Thủ tướng Pashinyan đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về cuộc đụng độ mới nhất của nước này với Azerbaijan.
Ông Pashinyan đã lên án "các hành động gây hấn, khiêu khích" của các lực lượng vũ trang Azerbaijan và kêu gọi "phản ứng tương xứng từ cộng đồng thế giới", theo Đài Al Jazeera.
Ông Michel đáp lại rằng EU "sẵn sàng thực hiện các nỗ lực để ngăn chặn leo thang hơn nữa".
Sáng 13-9, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia và Nga cũng đã có cuộc trao đổi và nhất trí sẽ tiến hành các bước để ổn định tình hình ở biên giới, theo Hãng tin Reuters.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov, kêu gọi Armenia "ngừng các hành động khiêu khích".
Ngày 13-9, Azerbaijan và Armenia đã nhất trí ngừng bắn tại vùng Nagorno-Karabakh, bắt đầu từ 9h giờ địa phương (tức 12h cùng ngày giờ Việt Nam). Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ vỡ chỉ ít phút sau đó.
Thỏa thuận đạt được sau khi Thủ tướng Pashinyan điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi đưa ra phản ứng phù hợp.
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào những năm 1990 và năm 2020, tại khu vực Nagorno - Karabakh (vùng đất có đông người dân Armenia sinh sống ở Azerbaijan). Sáu tuần giao tranh vào mùa thu năm 2020 đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.
TTO - Cảnh hỗn loạn diễn ra tại Quốc hội Armenia, sau khi một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền mô tả một số bộ trưởng quốc phòng trước đây của Armenia là "những kẻ phản bội".