Trung Quốc là nước xuất khẩu chip nhiều nhất trên thế giới, nhưng quốc gia này lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn chip bán dẫn nhập khẩu, vì hơn 90% chip được sản xuất tại đây đều do các công ty nước ngoài sản xuất.
Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, số lượng hợp đồng nhập khẩu chip tại Trung Quốc giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã gặp trở ngại do những khó khăn kinh tế và do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tin tức về việc chính phủ Mỹ yêu cầu Nvidia ngừng xuất khẩu các mẫu chip hiệu suất cao như A100 và H100 của Nvidia và MI250 của Advanced Micro Devices (AMD) sang Trung Quốc tràn ngập khắp các mặt báo thời gian vừa qua. Động thái này cho thấy nỗ lực “leo thang” của Mỹ nhằm kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Dư luận ngay lập tức xôn xao về tác động đối với các công ty Trung Quốc, bao gồm khả năng cạnh tranh của họ trong các lĩnh vực nghiên cứu AI như nhận dạng hình ảnh, cũng như đối với hoạt động kinh doanh của Nvidia tại Trung Quốc.
Bộ xử lý H100 sắp ra mắt của Nvidia đã được quảng cáo là “thế hệ tiếp theo hàng đầu của giải pháp xử lý trí tuệ nhân tạo cho trung tâm dữ liệu”, trong khi A100 là chip đồ họa chính của Nvidia, thường được sử dụng trong các siêu máy tính.
Theo ông Handel Jones, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn International Business Strategies (IBS), Nvidia đã chi hơn 1 tỷ USD, và đội ngũ thiết kế của hãng đã phải mất hơn 2 năm để phát triển ra dòng chip H100.
Mối lo của Mỹ
Theo ông Dan Pickard, chuyên gia thương mại quốc tế và an ninh quốc gia kiêm luật sư tại Buchanan Ingersoll & Rooney, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đều nhằm thúc đẩy cả lợi ích thương mại và sự phát triển quân sự của quốc gia này. “Chính vì những lý do này mà chính quyền Mỹ muốn đảm bảo rằng công nghệ của Mỹ không được chuyển giao cho Trung Quốc”, ông cho biết.
“Bộ Thương mại đã xác định việc thiết lập các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ mới là điều cần thiết đối với an ninh quốc gia của Mỹ,” ông Pickard nhấn mạnh.
Lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra chỉ một tháng sau khi Tổng thống Biden ký phê duyệt Đạo luật Khoa học và Chips, theo đó, 52,7 tỷ USD sẽ được chi để đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn trong nước. Bộ Thương mại Mỹ cũng đã nêu chi tiết kế hoạch phân bổ số tiền này, bao gồm 28 tỷ USD dành cho việc mở rộng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn hiện có hoặc xây dựng các cơ sở mới.
Tác động đối với các nhà sản xuất chip
Trong ngắn hạn, việc hạn chế bán chip có thể ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà xuất khẩu. Nvidia cho biết họ đã đặt mục tiêu 400 triệu USD doanh số bán chip tại Trung Quốc trong quý III. Khoản tiền này có thể sẽ bị mất nếu khách hàng của họ quyết định không mua các sản phẩm thay thế của Nvidia.
Ngoài việc mất đi doanh thu trước mắt, các nhà sản xuất, bao gồm cả Nvidia, phải đối mặt với nguy cơ mất hẳn thị trường Trung Quốc, “dẫn đến việc các công ty Trung Quốc sản xuất công nghệ AI của riêng mình”, ông Jones, tác giả của một cuốn sách sắp ra mắt về những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI cho biết.
Theo ông, Trung Quốc sẽ đi đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến AI vào năm 2030.
IBS dự báo thị trường bán dẫn Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 8% đến 10% vào năm 2022 và 2% đến 8% vào năm 2023.
Ảnh hưởng đến Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết, việc Mỹ cấm xuất khẩu 2 loại chip tiên tiến sang Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hầu hết các công ty công nghệ lớn đang chạy dịch vụ đám mây công cộng hoặc các mô-đun đào tạo trí tuệ nhân tạo.
Lệnh cấm mới nhất có thể sẽ giáng một đòn vào một loạt các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm những gã khổng lồ như Alibaba Group, Tencent Holdings, Baidu và Huawei Technologies, theo các nhà phân tích thị trường.
Nếu không có chip đồ họa mạnh mẽ của Nvidia, thì sẽ không thể nào có những sáng kiến nổi bật như dịch vụ đám mây dành cho doanh nghiệp của ByteDance, nền tảng điện toán Cloud Sinian của Alibaba, hay mẫu máy chủ NF5488A5 của Inspur.
Rõ ràng, gã khổng lồ GPU có trụ sở tại thành phố Santa Clara, Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ trong AI, phân tích dữ liệu và tính toán của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc vẫn khẳng định họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các hạn chế của Mỹ. Nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc Nio cho biết các hạn chế của Mỹ đối với việc bán chip Nvidia cho Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất ô tô này, theo CNBC.
“Theo ước tính của chúng tôi, chip điện toán của chúng tôi hiện vẫn đủ để phát triển thiết bị đào tạo công nghệ xe tự hành AI”, ông William Li, người sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nio, cho biết. “Và chúng tôi đã làm việc rất chặt chẽ với Nvidia, đối tác của chúng tôi”, ông nói thêm.
Sẽ còn nhiều biện pháp kiểm soát
Ông Pickard chỉ ra rằng với vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, “Nvidia đóng vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ thế kỷ 21 giữa Mỹ và Trung Quốc”. Đây là cuộc đua “nóng nhất liên quan đến trí tuệ nhân tạo”, ông Pickard nói.
Các công ty Trung Quốc cần các loại chip GPU này nên cảm thấy lo lắng, ông Pickard cảnh báo. “Đây là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà cả 2 đảng cầm quyền Mỹ đạt được sự đồng thuận nhằm kiểm soát xuất khẩu các công nghệ quan trọng sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, số lượng các biện pháp kiểm soát sẽ còn tăng lên chứ không ít đi”, ông Pickard kết luận.
Mới đây nhất, hãng tin Reuters cho biết, chính quyền Mỹ sẽ đưa ra những hạn chế mới đối với các lô hàng chip bán dẫn và thiết bị sản xuất chip đến Trung Quốc vào tháng 10.
Được biết, Bộ Thương mại Mỹ sẽ chính thức đưa ra các quy định về việc cấm vận chuyển thiết bị sản xuất chip cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc. Các công ty Mỹ muốn xuất khẩu các thiết bị này phải có giấy phép của Bộ Thương mại.
Nguyễn Tuyết (Theo Venture Beat, TMS, The Hill, Asia Financial, SCMP)