Không chỉ nỗ lực thoát nghèo cho gia đình, ông Hoàng Trọng Dũng còn lan tỏa đam mê phát triển kinh tế đồi rừng và có nhiều đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Năm 2022, "lão nông" Hoàng Trọng Dũng được vinh danh là 1 trong 100 nông dân xuất sắc Việt Nam.
Từ quốc lộ 4B, chúng tôi vượt con đường bêtông nhỏ dài gần 3km để tới được căn nhà của ông Hoàng Trọng Dũng tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Căn nhà nhỏ nằm giữa khu vườn xanh mướt, phía sau là quả đồi lớn trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả và cây dược liệu... Lão nông người Tày đậm đậm dáng người nhưng bước chân thoăn thoắt ra đón chúng tôi với nụ cười niềm nở.
Khu vườn trồng hồng xen canh nhiều loại cây ăn trái đang vào vụ. Nâng niu từng trái hồng Bảo Lâm sắp được thu hoạch, ông Hoàng Trọng Dũng kể: "Từ hơn 20 năm khi 17-18 tuổi tôi đã có đam mê để làm phát triển kinh tế vườn rừng. Từ đó tôi nghiên cứu những giống cây bản địa, đặc biệt thấy cây hồng không hạt Bảo Lâm chỉ có thể trồng được ở khu vực dọc biên giới Cao Lộc, còn đi chỗ khác trồng không được.
Cây này được người tiêu dùng đánh giá rất cao, ăn rất thơm ngon và bổ dưỡng. HTX của tôi có ở 7 địa phương với 23 thành viên, mỗi thành viên đều là chủ trang trại, một nhóm trưởng cùng nhau hướng dẫn, vận động, tuyên truyền cho các bà con khác cùng làm theo mô hình trồng hồng này để tăng thu nhập cho gia đình".
Ông Hoàng Trọng Dũng cũng cho biết, cây hồng không hạt Bảo Lâm khá “kén” người trồng và nhất là không hợp với các loại phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật. Ngoài ra, dù sắp đến vụ thu hoạch nhưng nhiều cây vẫn có thể bị sâu bệnh phá hoại dẫn đến rụng quả, giảm năng suất.
Bởi vậy, sau vài chục năm “vừa làm, vừa học”, ông Dũng mới đúc rút được những kinh nghiệm và tổng kết ra phương pháp chăm bón hiệu quả, cách áp dụng chế phẩm sinh học hợp lý để cây hồng sai quả và ít bị sâu bệnh, góp phần đem lại thu nhập ổn định hàng năm cho các chủ vườn.
Bà Chu Thị Hợp, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: “Mô hình của ông Hoàng Trọng Dũng là mô hình kinh tế gia đình tiêu biểu của địa phương. Ông Dũng rất nhiệt tình tham gia các phong trào của công tác hội nông dân, rất tận tình giúp đỡ các hội viên nông dân để cùng nhau phát triển kinh tế, từ đó nhân rộng mô hình trồng các loại cây nông nghiệp trên địa bàn, bước đầu đã giúp đời sống của bà con nhân dân tại đây tương đối ổn định".
Ngoài diện tích trồng hồng không hạt, ông Hoàng Trọng Dũng còn mạnh dạn trồng thêm cây hồi, cây thông, kết hợp với chăn nuôi giống gà 6 ngón Mẫu Sơn, hàng năm mang về tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng... Tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình ổn định, "lão nông" người Tày không ngần ngại chia sẻ bí quyết cùng bà con làng xóm với mong muốn mọi người đều khấm khá trên chính mảnh đất quê hương.
"Tôi rất mong người dân sẽ biết được những kinh nghiệm để cùng nhau học tập, trao đổi, từ đó lan tỏa rộng hơn nữa. Nông dân chúng tôi vốn có sẵn đức tính cần cù, chỉ là không biết làm như thế nào, nếu được hướng dẫn bài bản, khoa học thì thực sự sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Những mô hình, phương pháp chăm bón hiệu quả mà bà con có thể học hỏi chính là "cần câu" để giúp bà con, là điều thiết thực nhất, mang lại sự phát triển bền vững nhất" - ông Dũng chia sẻ.
Vinh dự là 1 trong 100 nông dân cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc", thế nhưng ông Dũng vẫn cho rằng mình chưa thực sự xứng đáng, bởi ông tâm niệm kinh nghiệm làm giàu từ đất rừng quê hương được lan tỏa góp phần giúp bà con nâng cao đời sống vật chất và tinh thần mới thực sự là điều vinh dự nhất.
Bà Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lộc, nhận xét: “Trong những năm qua ông Dũng tham gia rất tốt trong phong trào thi đua sản xuất và ông cũng đã lan tỏa mô hình của mình đến khắp các hội viên trên địa bàn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động hội viên nông dân thi đua, học tập theo kinh nghiệm, mô hình của ông Dũng để từ đó đạt hiệu quả cao hơn nữa trong sản xuất".
Chia tay chúng tôi bên vườn hồng Bảo Lâm lúc lỉu những chùm quả hứa hẹn một vụ bội thu, "lão nông" Hoàng Trọng Dũng còn chia sẻ ý tưởng đưa mô hình kinh tế vườn đồi trở thành mô hình du lịch trải nghiệm cho người dân và du khách. Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, lợi nhuận từ những vườn cây ăn trái sẽ được nhân lên góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao biên giới của tỉnh Lạng Sơn./.
Xem thêm: vov.864559tsop-gnouc-neib-tad-hnam-nert-uaig-mal-gnov-tahk-iov-yat-iougn-gnon-oal/et-hnik/nv.vov