Theo đó, Sở QH-KT TP cho biết mục đích đề án nhằm xây dựng, cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa và đặc trưng đô thị. Đồng thời, từng bước xây dựng, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng xanh gắn với không gian mở đa chức năng, tạo điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.
Đề án đề ra lộ trình từ 2020-2025 sẽ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý phát triển khu vực hành lang sông Sài gòn. Triển khai chương trình hành động thực hiện quy hoạch, bao gồm triển khai các đồ án, dự án cải tạo chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - bao gồm các khu vực ưu tiên như khu trung tâm thành phố gắn với các đề án, chương trình phát triển kinh tế dịch vụ.
Thời gian 5 năm tới, cơ quan chức năng cũng ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển chiến lược hành lang sông nước, xác định các khu vực ưu tiên. Sau đó, triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với phát triển và tái thiết đô thị, kích hoạt các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ.
Giai đoạn từ 2025-2045: Triển khai các dự án về đầu tư, kết nối hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp liên vùng, liên khu vực, phát huy các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch.
TP.HCM tính kế sách để khai thác dịch vụ ven sông Sài Gòn. Ảnh: Kiên Cường
Hoàn chỉnh các công cụ quản lý đồng bộ dọc theo lưu vực dọc sông. Liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng đảm bảo lợi ích chung của thành phố và liên vùng. Khuyến khích sự tham gia của đa dạng các nguồn lực xã hội, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển liên vùng.
Qua đó, ứng dụng nhân rộng cách làm trên phạm vi toàn TP.HCM và vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển chung.
Nhằm đạt được mục tiêu theo lộ trình như trên, đề án đưa ra một số hai nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp quy hoạch - kỹ thuật, nhóm giải pháp về cơ chế - chính sách.
Nhóm giải pháp quy hoạch - kỹ thuật sẽ phân vùng theo không gian kiến trúc cảnh quan của sông Sài Gòn. Đối với vùng thượng lưu sông này: Phối hợp các tỉnh đầu nguồn như Bình Phước, Tây Ninh quản lý đầu nguồn nước, phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái hệ sinh thái nước đầu nguồn. Xem xét, tính toán đến việc kết nối 2 bờ bằng cầu đường bộ, thúc đẩy liên kết vùng TP.HCM.
Đối với vùng trung lưu, hạ lưu: với khu vực sông Sài Gòn đi qua khu trung tâm hiện hữu, đây là khu vực có nhiều hoạt động thương mại dịch vụ và có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.
Vì vậy, khu vực này cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2020- 2025, nhằm xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, gồm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp, bến bãi trung chuyển kết nối không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị.
Nhóm giải pháp về cơ chế - chính sách cần quan tâm đến giải pháp tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực và cơ chế thực hiện.