Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại Mỹ đã "cán mốc" tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021, vẫn là một con số rất cao, nhưng đã đi xuống tháng thứ 2 liên tiếp.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu CPI tính theo tháng, cụ thể là tháng 8 so với tháng 7, CPI đã tăng nhẹ 0,1% so với tháng 7. Trong khi trước đó, các nhà đầu tư dự đoán CPI giảm 0,1%.
Chứng khoán Mỹ biến động mạnh sau số liệu lạm phát
Mức thay đổi không quá nhiều, nhưng lại không đi theo kỳ vọng của số đông. Vì vậy đêm qua (13/9), Phố Wall đã có một phiên "đỏ sàn" kỷ lục kể từ hơn 2 năm qua.
Cả 3 chỉ số chính đều đã chốt phiên vào sáng sớm nay, theo giờ Việt Nam, với mức giảm theo ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020, thời điểm Mỹ đang là tâm điểm của đại dịch.
Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.276 điểm (3,94%) còn 31.104,97 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 4,32%, xuống 3.932,69 điểm. Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm tới 5,16%, còn 11.633,57 điểm.
Cả 11 nhóm ngành của S&P 500 đều giảm điểm và chỉ có 5 trong 500 cổ phiếu của rổ chỉ số này chứng kiến mức tăng trong phiên đêm qua.
Số liệu lạm phát mới cũng có tác động ngay đến đồng bạc xanh, kéo chỉ số đồng USD tăng 1,53%, tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm qua. Ở chiều ngược lại, giá vàng giao dịch tại thị trường New York đã quay đầu giảm hơn 1% xuống 1.703,09 USD/ounce. Mặt hàng dầu thô cũng chốt phiên với mức giảm nhẹ.
Khả năng tăng lãi suất của FED
Sau khi chỉ số CPI tháng 8 vừa được công bố, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 21/9 tới được cho là điều đương nhiên. Dự đoán tăng 0,75 điểm % là khả năng cao, tuy nhiên đến nay, con số này sắp trở thành quá khứ.
Theo CNBC, với tình hình này, thị trường đang cho rằng FED thậm chí có thể sẽ nâng lãi suất ở mức cao hơn dự tính là 0,75 điểm %. Có tới 16% các nhà đầu tư đang đặt cược là FED sẽ tăng mạnh 1 điểm % vào ngày 21/9 tới.
Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images)
Trên Bloomberg, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nomura cũng phải thay đổi dự báo tăng 0,75 điểm % lên 1 điểm %, kèm theo nhận định: "Một lộ trình tăng lãi suất mạnh là cần thiết để đối phó với lạm phát cứng đầu hiện nay".
Bài báo cho biết có 2 lý do ép FED phải làm vậy: Một là FED đã tăng lãi suất mạnh, nhưng lạm phát không hạ nhiệt được mấy; Hai là kinh tế Mỹ cũng "cứng đầu" không kém so với lạm phát. Dù lãi suất cao nhưng tăng trưởng việc làm vẫn tốt, tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp lịch sử, lương tăng… Vì vậy tăng tiếp không phải là nguy cơ với nền kinh tế.
Lợi suất trái phiếu Mỹ lên mức kỷ lục
Dự báo về khả năng nâng lãi suất mạnh của FED cũng đã được thể hiện trên thị trường trái phiếu Mỹ đêm qua (13/9).
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở các kỳ hạn ngắn như 3 tháng và 2 năm đều đã tăng vọt, chạm mức cao nhất trong 14 năm qua, phản ánh giới đầu tư đang kỳ vọng chi phí đi vay sẽ tăng trong thời gian tới. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 3,7497%.
Hiện tượng "đường cong lợi suất đảo ngược" cũng nới rộng, một chỉ báo cho thấy thị trường đã tính tới kịch bản kinh tế rơi vào suy thoái do việc tăng lãi suất.
Cuộc đua lãi suất và lạm phát bao giờ mới có điểm gặp?
Cuộc chạy đua giữa một bên là lãi suất và một bên là lạm phát vẫn còn chênh lệch. FED đang tung ra những biện pháp mạnh nhất, nhưng lạm phát không có dấu hiệu "hãm phanh" được như mong muốn của FED. Cuộc đua này bao giờ mới có điểm gặp?
Có 2 cách tính lạm phát, gồm lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản. Lạm phát toàn phần đo lường biến động giá của gần như tất cả các ngóc ngách của nền kinh tế. Nó chính là 8,3%. Còn lạm phát cơ bản loại trừ giá thực phẩm và xăng dầu. Đây là điểm mấu chốt trong cuộc đua này.
Trang tài chính của CNN cho rằng FED đang gặp rắc rối lớn. Họ quyết định chính sách tiền tệ không dựa vào lạm phát toàn phần, mà là lạm phát cơ bản. Tuy nhiên ngay cả lạm phát cơ bản, vốn không tính giá xăng dầu, thực phẩm cũng đang tăng 6,3%. Đây là mức rất cao so với cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, dù nhìn vào lạm phát nào, FED cũng không có lựa chọn khác ngoài tăng lãi suất liên tiếp trong thời gian tới.
Do đó, Marketwatch cho rằng FED không thể dừng tăng lãi suất, thậm chí nếu kinh tế có suy thoái. Bài báo trích lời Cựu Chủ tịch FED ở Richmond Jeffrey Lacker rằng nếu FED không tăng nữa thì giống như "xe đang lao dốc đã bỏ chân ra khỏi phanh, chưa biết chuyện gì xảy ra ở dưới chân dốc". Vì vậy ông này dự đoán, FED cần nâng lãi suất lên cao hơn mức "lạm phát kỳ vọng". Điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất chỉ có thể dừng khi đạt mức quanh 6%. Đó chính là điểm gặp mà chúng ta có thể nghĩ tới.
Những diễn biến đêm qua cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát của FED vẫn rất nhiều thách thức và khó đoán với giới đầu tư.
VTV.vn - Bloomberg hay Market Watch thiên về khả năng FED sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %, nhưng chỉ số CPI của tháng 8 hạ nhiệt cũng có thể sẽ khiến FED mềm lòng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.1531320141902202-tahp-mal-oac-oab-uas-meid-1-nel-taus-ial-gnat-eht-oc-def-arumon/et-hnik/nv.vtv