MẤT HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG VÌ BẤM VÀO ĐƯỜNG LINK “LẠ”
Khoảng 16 giờ 21 ngày 03-9, anh Phạm Phương Điền (SN 1982, ngụ quận 8) nhận được tin nhắn của Ngân hàng SCB với nội dung tài khoản đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 2,6 triệu đồng, yêu cầu anh Điền truy cập vào link “https://scb.com.vn.ii3.icu” để kiểm tra.
Sau khi bấm vào, điện thoại anh Điền truy cập vào trang mạng yêu cầu anh Điền phải nhập mật khẩu tài khoản banking online của anh Điền. Sau khi nhập xong, hệ thống gửi cho anh Điền tin nhắn mã OTP rồi tiếp tục yêu cầu nhập mã OTP vào trang nêu trên. Sau đó, anh Điền vội tới ngân hàng kiểm tra thì phát hiện mất 350 triệu đồng nên trình báo công an.
Một trường hợp khác là anh Vũ Hoàng Anh Khôi (SN 2000, ngụ P15Q8) bị mất gần 100 triệu đồng vì tin cán bộ công an “dỏm”. Theo đó, ngày 04-8, anh bị 1 đối tượng (chưa rõ lai lịch) tự xưng là cán bộ công an và VKSND TP.Đà Nẵng yêu cầu anh Khôi chuyển tổng cộng 90 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định mở tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng BIDV.
Nhóm này đưa ra lý do là anh Khôi liên quan đến vụ việc rửa tiền và buôn bán ma túy. Sau đó, anh Khôi đã chuyển tiền vào các số tài khoản trên. Sau khi chuyển tiền xong, do nghi ngờ các đối tượng trên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên anh Khôi gửi đơn trình báo đến Công an quận 8.
Khoảng 8 giờ ngày 10-8, anh Dương Minh Tân (SN 1989, ngụ TP.Thủ Đức) nhận được cuộc gọi từ một người lạ, cho biết anh có liên quan đến một vụ tai nạn xảy ra tại Đà Nẵng, yêu cầu anh Tân hợp tác khai báo trực tuyến. Đến 9 giờ cùng ngày, anh Tân thuê khách sạn Trà My tại 933A-933B đường Tạ Quang Bửu, P5Q8 để gọi điện trực tuyến trao đổi với đối tượng.
Đối tượng giả danh cán bộ công an yêu cầu anh Tân cung cấp số dư ngân hàng, ví điện tử Zalopay qua tin nhắn Viber. Truy cập vào trang website 113 và nhập thông tin cá nhân. Sau đó yêu cầu anh Tân vay vốn người thân để chứng minh mình trong sạch nhưng anh Tân không đồng ý.
Nghi ngờ mình bị lừa anh Tân gọi điện yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, anh Tân đến Ngân hàng BIDV kiểm tra thì biết được lúc 10 giờ 32 ngày 10-8, tài khoản của anh Tân bị chuyển đi 27 triệu đồng qua Internet Banking đến số tài khoản khác mở tại Ngân hàng BIDV.
Thông qua mạng xã hội Facebook, anh Lê Thanh Mạnh (SN 1987, ngụ P5Q8) truy cập vào trang Facebook “Hội mua bán xe Cẩu Tự Hành Củ”, tiến hành giao dịch với một người (không rõ lai lịch) đặt mua cần cẩu Unic 500 với giá 105 triệu đồng. Ngày 24-8-2022, người sử dụng số điện thoại khác yêu cầu anh Mạnh đặt cọc số tiền 5 triệu đồng thì anh Mạnh đồng ý chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định mở tại Ngân hàng BIDV.
Sau khi nhận được hình ảnh cần cẩu và hóa đơn (gửi qua Zalo) anh Mạnh tiếp tục chuyển số tiền 100 triệu đồng vào tài khoản nêu trên. Sau khi chuyển tiền thành công, anh Mạnh liên hệ với người nêu trên để nhận hàng thì người dùng Zalo và số điện thoại nêu trên không liên lạc được. Nghi vấn bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, anh Mạnh đến công an trình báo.
Khoảng 15 giờ 50 ngày 07-8, chị Hoàng Thị Bình (SN 1982, ngụ P14Q8) nhận được cuộc gọi video từ đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản Facebook của em gái chị Bình (do hack được), kèm theo đó đối tượng có sử dụng phần mềm ghép gương mặt và giọng nói của em gái chị Bình khiến chị Bình tin đây là em gái mà làm yêu cầu chuyển tiền nhiều lần vào số tài khoản MB Bank do chúng chỉ định với lý do đặt cọc mua đất. Tổng số tiền chị Bình bị lừa đảo chiếm đoạt gần 210 triệu đồng.
“SẬP BẪY” VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO
Khoảng 8 giờ 30 ngày 04-9-2022, do có nhu cầu tìm việc làm, chị Võ Thị Hà My (SN 1997, ngụ P5Q8) được một người phụ nữ tên Duyên (chưa rõ lai lịch) mời chào vào hội nhóm trên ứng dụng Telegram. Sau đó, chị My được một đối tượng trong hội nhóm hướng dẫn tải các ứng dụng (app) chỉ định, chị My làm theo và nhận được 150 ngàn đồng.
Tiếp theo các đối tượng dùng Telegram hướng dẫn My như sau: Đầu tiên My nạp tiền vào trang web http:// minhngochn.com thông qua số tài khoản do chúng chỉ định thuộc Ngân hàng BIDV số tiền 100 ngàn đồng. Sau khi nạp vào, chị My đặt lệnh trên Web trên theo hướng dẫn của các đối tượng và thắng lệnh nhận được 335 ngàn đồng.
Do thấy rút được tiền nên chị My tin tưởng tiếp tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng, chuyển 2 triệu đồng vào số tài khoản nêu trên; 8,5 triệu đồng và 45,05 triệu đồng để hoàn thành. Các đối tượng yêu cầu chị My phải chuyển tiền nhiều lần thì mới hoàn thành nhiệm vụ và rút được số tiền trước đó. Sau khi đã chuyển tổng cộng 54,55 triệu đồng nhưng vẫn chưa rút được tiền, chị My không chuyển tiếp thì người trong nhóm nhắn gây áp lực cho chị My buộc phải nạp thêm tiền. Nghi ngờ bị lừa đảo nên chị My đến Công an quận 8 trình báo.
Ngày 23-8, thông qua bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, anh Chu Văn Chung (SN 1990, thường trú Nghệ An, ngụ Q8) được công ty Lazada Group mời chào làm công việc trên mạng bằng hình thức mua đơn hàng quảng cáo sản phẩm để nhận hoa hồng của sàn thương mại điện tử Lazada.
Cụ thể, công ty hướng dẫn anh Chung tạo tài khoản và truy cập vào trang web “http:// Lazadaapp.fun” để mua đơn quảng cáo cho 60 sản phẩm trên một ngày, anh Chung phải đóng số tiền theo thời gian để mua đơn hàng.
Khi mua đủ đơn hàng, hệ thống sẽ trả tiền lại cho anh Chung kèm theo tiền hoa hồng. Tin lời hướng dẫn nêu trên, anh Chung đã chuyển vào số tài khoản do bọn chúng chỉ định với số tiền tổng cộng là 454 triệu đồng, chuyển 8 lần để mua 60 sản phẩm từ ngày 23 đến 24-8-2022. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mua hàng thì trang web không trả lại tiền và khóa tài khoản của anh Chung. Nghi ngờ bị lừa nên anh Chung đến Công an quận 8 trình báo.
Ngày 10-8, chị Võ Thị Thu Tâm (SN 1988, ngụ P15Q8) đang lướt web thì vô tình bị các đối tượng lừa đảo qua mạng dụ dỗ tham gia hoạt động chuyển tiền mua hàng nhằm tăng tương tác sản phẩm bán online (cụ thể là Shopee), đổi lại sẽ nhận được tiền vốn và hoa hồng.
Thấy thao tác dễ dàng, chị Tâm làm theo vài lần và được gửi lại tiền vốn và hoa hồng đúng như lời các đối tượng cam kết. Chị Tâm làm tiếp thêm vài lần theo lời dụ dỗ nhưng không nhận lại được tiền. Tổng số tiền đã chuyển không được nhận lại là 38,8 triệu đồng.
VÌ SAO NGƯỜI DÂN DỄ DÀNG BỊ LỪA ĐẢO?
Công an cho biết, phần lớn tội phạm lừa đảo hiện nay đánh vào tâm lý sợ vướng lao lý cùng sự thiếu hiểu biết pháp luật của bị hại. Sau đó, các đối tượng giả danh cán bộ tư pháp yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng để làm tin. Bị hại sợ nên làm theo lời chúng, từ đó bị chiếm đoạt tiền.
Hay, các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, ham mua tài sản giá rẻ của bị hại rồi đưa thông tin ảo về tài sản chúng cần bán. Bị hại tuy không gặp trực tiếp nhưng vẫn tin tưởng chuyển tiền mua tài sản cho các đối tượng. Các đối tượng tội phạm dạng này đánh vào tâm lý cần việc làm nhẹ nhàng, lương cao của bị hại. Sau đó, nhóm dụ dỗ bị hại tham gia làm đối tác của các trang bán hàng trực tuyến (Lazada, Shoppee...). Ban đầu nhóm này trả công vài trăm ngàn để tạo lòng tin cho bị hai.
Vài ngày sau, nhóm giở thủ đoạn yêu cầu bị hại đặt trước tiền (gọi là tiền bảo lãnh, tiền làm nhiệm vụ...) cho chúng. Sau đó, các đối tượng lấy lý do bị hại làm sai lệnh, hoặc thao tác công việc sai và đưa ra mức phạt, nếu không phải mất tiền đã nạp. Bị hại sợ nên buộc phải đóng thêm tiền. Mức phạt từ đó tiếp tục tặng lên đến khi bị hại biết bị lừa đảo thì các đối tượng xóa tài khoản, cắt liên lạc với bị hại.
Ngoài ra, các đối tượng hack vào được tin nhắn của ngân hàng, thông báo bị hại là tài khoản bị hại sẽ bị trừ tiền hàng tháng do bị hại đăng ký các ứng dụng nào đó. Bị hại sợ mất tiền nên đăng nhập vào đường link do các đối tượng cung cấp trong tin nhắn. Từ đó vào trang web có giao diện giống hệt web của ngân hàng, yêu cầu bị hại đăng nhập tên tài khoản, mật khẩu. Từ đó, các đối tượng nắm được thông tin trên và rút hết tiền trong tài khoản của bị hại.
Xem thêm: lmth.919631_nad-iougn-yav-aub-gnam-auq-oad-aul/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc