Do đặc thù công việc, tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều nhân viên y tế. Trong đó có điều dưỡng.
Trong quá trình trao đổi, điều dưỡng rất ngại nói tới thu nhập. Bởi sợ nhiều người cho rằng kể lể này nọ, sợ lãnh đạo bệnh viện (BV) sẽ rầy rà vì phơi bày chuyện không hay cho mọi người biết.
Không chỉ điều dưỡng, lãnh đạo BV cũng ngại đề cập đến vấn đề thu nhập của lực lượng này. Bởi nếu biết được mức thu nhập thực tế của điều dưỡng, không ai nộp hồ sơ xin vào làm công việc này. Thực tế cho thấy, hiện rất nhiều BV ở TP.HCM khó tuyển dụng được điều dưỡng.
Một điều dưỡng cho biết nếu đặt thu nhập và lòng yêu nghề lên hai dĩa cân, chắc chắn dĩa cân chứa lòng yêu nghề sẽ nặng hơn nên điều dưỡng mới trụ được tới hôm nay.
Điều dưỡng của một BV tuyến cuối ở TP.HCM (đề nghị giấu tên và nơi làm việc) cho biết công việc hàng ngày của chị là chăm sóc, vệ sinh cá nhân, thay băng, chích thuốc, truyền dịch, theo dõi sinh hiệu, trò chuyện, động viên tinh thần bệnh nhân. Chưa hết, chị còn thực hiện các y lệnh của bác sĩ, phát hiện những bất thường của bệnh nhân để báo bác sĩ kịp thời xử trí, hỗ trợ bệnh nhân làm thủ tục nhập viện và xuất viện.
Cho dù làm hết mình nhưng thỉnh thoảng chị vẫn bị người bệnh cằn nhằn vì lỡ làm đau hoặc chậm thay chai dịch truyền do cùng lúc chăm sóc nhiều bệnh nhân. Điều chị ngại nhất do tiếp xúc nhiều người bệnh nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, rồi lây cho chồng con, người thân. Chưa dừng ở đây, trong tình hình thiếu điều dưỡng nên chị thường xuyên tăng ca trực đêm, ít có thời gian nghỉ bù…
“Anh có tin không, công việc bào mòn sức khỏe lẫn tinh thần nhưng thu nhập của một điều dưỡng hơn 15 năm kinh nghiệm của tôi chưa tới 9 triệu đồng. Số tiền này không đủ để trang trải chi tiêu mỗi ngày, tiền thuốc khi đau ốm, giỗ quảy, cưới hỏi, tiền học của hai con… Nếu không vì yêu nghề, không được sự hỗ trợ kinh tế của chồng, tôi đã nghỉ từ lâu” – chị nghẹn lời.
Một chuyên gia trong ngành y nhìn nhận dù là lực lượng chính nhưng vai trò của điều dưỡng chưa được coi trọng đúng mức. Chưa hết, công sức điều dưỡng bỏ ra nhiều nhưng thu nhập vẫn còn thấp và ít có cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Chuyên gia này đề xuất ngành y tế nên xây dựng ngành điều dưỡng đảm bảo số lượng và chất lượng, xây dựng điều dưỡng thành một nghề có tính độc lập tương đối với bác sĩ. Khi có sự phân định rõ ràng, điều dưỡng sẽ có thời gian làm nhiều việc đúng chuyên môn, phát huy được hết giá trị, năng lực bản thân. Bên cạnh đó, có sự chủ động và thực hiện được chức năng điều phối trong chăm sóc người bệnh. Có tư duy phản biện và độc lập, thay vì phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời tăng thu nhập để thu hút, giữ chân lực lượng này.
Nhìn thấy vấn đề, chỉ ra nguyên nhân nhưng hành động cụ thể thế nào, rất cần ngành y tế chủ động phối hợp các bên, gỡ nút thắt, để người bệnh - người dân và cả lực lương y tế, nhất là điều dưỡng đều cùng hưởng lợi, trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.