Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số ngân hàng (NH) thương mại cho biết lượng vốn tăng thêm từ việc được phân bổ hạn mức (room) tín dụng mới, khoảng 0,7%-4% tùy theo xếp hạng của từng NH, vẫn thấp hơn kỳ vọng và nhu cầu thị trường. Dòng vốn này sẽ ưu tiên vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... thay vì vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản.
Cân nhắc giải ngân mới
Là một trong những NH được phân bổ room tín dụng nhiều nhất thị trường đợt này, đại diện lãnh đạo NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết việc được tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa tới cuối năm sẽ nâng room tín dụng cả năm của NH lên 17,7%. Dù vậy, sau khi được phân bổ room tín dụng, NH sẽ tiếp tục ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng; bảo đảm tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp. Đặc biệt, NH này sẽ duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, bảo đảm ở mức hợp lý, hỗ trợ cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế, phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp (DN).
Dù chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản nhưng các tổ chức tín dụng vẫn cần hạn chế dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro này.Ảnh: TẤN THẠNH
Tại báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ước tính tăng thêm khoảng 2% trong đợt điều chỉnh này là thấp hơn so với các kỳ vọng của thị trường. Song, nhờ vậy nên có dư địa để NH Nhà nước có thể có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay.
Cũng theo Công ty Chứng khoán SSI, có sự phân hóa về hạn mức tín dụng giữa nhóm NH thương mại nhà nước và nhóm NH thương mại cổ phần, phản ánh mục tiêu của NH Nhà nước là hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng ở lĩnh vực rủi ro. Thực tế, tỉ trọng cho vay ở lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu DN từ các NH thương mại nhà nước đều thấp hơn nhiều so với các NH thương mại cổ phần.
Đáng chú ý, cán bộ tín dụng nhiều NH thương mại cho biết đang tiếp tục cân nhắc giải ngân cho vay mới với cả lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường, nên càng hạn chế tín dụng bất động sản. "Từ vài tháng nay, phòng giao dịch của NH chỉ còn hạn mức khoảng 20 tỉ đồng để xem xét cho vay với những khách hàng đã cam kết giải ngân; khi nào có khách trả nợ cũ thì mới có thêm hạn mức cho vay mới. Ngay với khách hàng cá nhân vay mua nhà, lãi suất cũng tăng lên và không giải ngân thoải mái như trước" - cán bộ tín dụng một NH thương mại nhà nước cho hay.
Bất động sản chưa dễ tiếp cận tín dụng
Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, tính đến cuối tháng 7-2022, tín dụng bất động sản vẫn tăng nóng hơn tín dụng chung cả nước với mức tăng trên 14%. Trong đó, tín dụng với phân khúc nhà ở tăng 17% và bất động sản đầu tư tăng trên 8%. Hiện tín dụng cho vay bất động sản chiếm 20,6% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế. Mức này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác với tín dụng cho vay bất động sản khoảng 28%-30% tổng dư nợ của hệ thống NH.
Tại Việt Nam, bất động sản vẫn được đánh giá là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các tổ chức tín dụng cũng thận trọng hơn trong giải ngân. "Mức độ rủi ro tùy thuộc vào từng phân khúc bất động sản. Chẳng hạn, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng - du lịch không nên trông chờ vào tín dụng NH vì rủi ro ở phân khúc này lớn hơn phân khúc khác, pháp lý lại chưa tốt. Nên huy động vốn từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước để họ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam" - TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng vốn tín dụng cung ứng cho ngành bất động sản đã nhiều hơn mức cần thiết và nhiều hơn các ngành khác. Do đó, thị trường bất động sản cần huy động vốn từ các kênh khác bền vững hơn thay vì chỉ lệ thuộc vào tín dụng NH. "DN bất động sản cần có thực lực tài chính bằng vốn chủ sở hữu. Việc phát hành trái phiếu sẽ tăng áp lực trả nợ. Cần định chế tài chính hợp tác phát triển dự án như quỹ tín thác bất động sản hoặc tương tự; hợp tác giữa quỹ và DN theo từng dự án; nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ quỹ sẽ an toàn hơn mua trái phiếu DN hoặc ký hợp đồng hợp tác với công ty" - TS Đinh Thế Hiển gợi ý.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM, cho rằng các nhà băng vẫn ưu tiên khách hàng, dự án tốt hoặc "chia phần" cho khách hàng cũ, uy tín nhiều năm chứ không đủ lực để cho vay dàn trải. Trong khi đó, tại TP HCM, hiện rất khó có dự án mới được triển khai có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện vay vốn.
Cho rằng việc nới room tín dụng chỉ như "nắng hạn gặp mưa rào", ông Ngô Đức Sơn, Tổng Giám đốc DRH Holding, nói nguồn vốn tăng thêm không thấm vào đâu so với những khó khăn hiện tại của DN bất động sản. Tỉ lệ giải ngân cho lĩnh vực bất động sản đang thấp trong khi DN cần vốn để quay vòng, phát hành trái phiếu không còn dễ dàng như trước. "Hiện chỉ một số DN mạnh mới được tổ chức quốc tế đầu tư trái phiếu. Tuy vậy, đó cũng là tín hiệu tốt cho DN trong nước giai đoạn này" - ông Sơn phản ánh.
Kêu gọi vốn cho bất động sản thông qua M&A
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho bất động sản có nhiều thay đổi, việc kêu gọi vốn thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A) được các nhà đầu tư tin tưởng và tìm đến. Đây là cơ hội lớn dành cho DN trong nước bởi việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp DN cải thiện năng lực phát triển dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do nhà đầu tư nước ngoài đem lại. Đối với những công ty niêm yết, điều này cũng hỗ trợ DN trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán.
Xem thêm: mth.47383102241902202-nas-gnod-tab-yav-ohc-gnort-naht-nav/et-hnik/nv.moc.dln