Người dân trên địa bàn TP.HCM đi làm căn cước công dân - Ảnh: MINH HÒA
Những ngày qua, việc ghi "nguyên quán", "quê quán" hay "nơi sinh" trên nhiều loại giấy tờ tùy thân khiến phát sinh không ít rắc rối. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính cần thiết về nhận diện một công dân, trên căn cước cần ghi thông tin "nơi sinh". Tuy nhiên, cũng có ý kiến tranh luận nên ghi là "nguồn cội" mới bao hàm quê hương, nguồn gốc.
"Nơi sinh" truyền tải ý nghĩa rõ ràng, chính xác là nơi mình sinh. Khái niệm hiện nay hay dùng là "quê quán" hay "nguyên quán" rất dễ nhầm lẫn vì có người sẽ hiểu là nơi sinh của cha, có người lại nghĩ giống "nơi sinh".
Ý kiến bạn đọc Hữu Trí
Hiểu "nơi sinh" người cha là "quê quán" người con
"Theo tôi, ghi nơi sinh là hợp lý nhất. Tuy nhiên, cần định nghĩa lại nơi sinh theo nghĩa rộng hơn: "nơi sinh" là nơi được sinh ra và trưởng thành hoặc là nơi mà cá nhân đó trải qua hầu hết tuổi thơ cho đến khi trưởng thành" - bạn đọc Võ Văn Mạnh góp ý.
Cùng quan điểm này, bạn đọc Tung bổ sung: "Ghi nơi sinh là đúng nhất, quê quán ghi từ đời cụ nội. Ông nội cũng không sinh tại quê quán, nguyên quán luôn. Đến đời sau nữa không biết đường nào mà lần".
Từ trường hợp cụ thể của bản thân, bạn đọc Thạch Nguyễn cho rằng ghi "nơi sinh" trên giấy tờ là chính xác và phù hợp nhất, còn quê quán chỉ nên là thông tin tùy ý.
Bạn đọc này viết: "Dòng họ nhà tôi đã di cư vào Đà Lạt từ những năm 1950. Tôi sinh năm 1977 ở Lâm Đồng vẫn ghi quê quán Thái Bình. Thông tin này chỉ đúng trên giấy tờ theo quy định. Từ khi chào đời đến nay tôi chưa từng đặt chân đến "quê quán Thái Bình", vì không có người thân nào ở ngoài đó nữa".
Để cập nhật thông tin cá nhân, bạn đọc Minh Nguyễn viết: "Theo tôi, nếu ghi nơi sinh thì sinh ra ở đâu sẽ ghi ở đó là đúng nhất. Ví dụ, con sinh ra tại TP.HCM thì ghi nơi sinh là TP.HCM. Còn quê quán thì theo luật mới ghi theo quê quán của cha hoặc mẹ.
Và cho dù "nơi sinh" hay "quê quán" cũng cần có sự thống nhất giữa hai bộ phận công an và tư pháp. Xung quanh câu chuyện "ông hiểu gà, bà hiểu vịt" này gây ra không ít phiền toái cho người dân".
Cần có sự thống nhất giữa công an và tư pháp
"Ba tôi quê Sóc Trăng, tập kết ra Bắc, tôi sinh ra tại Hà Nội, quê quán là Sóc Trăng, lớn lên và sống tại Vũng Tàu, con tôi sinh tại Vũng Tàu.
Khi làm khai sinh, cán bộ tư pháp yêu cầu ghi quê quán theo nơi sinh trưởng của cha ruột là Hà Nội. Khi con tôi làm căn cước công dân, cán bộ công an lại bắt phải ghi quê quán là Sóc Trăng, không căn cứ theo giấy khai sinh" - bạn đọc Trungcd viết.
Dẫn chứng vụ việc của mình, bạn đọc Trungcd kết luận: "Việc không thống nhất và đồng bộ giữa cơ quan công an và tư pháp dẫn đến nhiều trường hợp như trên, chỉ người dân là khổ".
Hiểu "nơi sinh" thế nào cho đơn giản? Bạn đoc Minh Tiến viết: "Nơi sinh người cha là quê quán người con. Nếu ghi nơi sinh thì không hợp lý, vì nhiều khi sang Mỹ sinh thì cũng không thể ghi Mỹ được. Con người ai cũng có quê hương, nên ghi nguồn cội thì cũng là hợp lý".
"Ghi nơi sinh hay quê quán còn nhiều tranh luận. Quốc hội cần thống nhất sửa luật hộ tịch bởi vì: ghi nơi sinh thì vô tình làm cho đứa trẻ lớn lên nhìn vào giấy tờ không biết nguồn cội quê hương, nếu ghi quê quán thì bảo không công bằng" - bạn đọc TVT kiến nghị.
Dẫn chứng trường hợp của mình, bạn đọc này lo xa: "Ví dụ vợ chồng tôi sinh sống ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang, khi sinh con đến Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ sinh, theo quy định hiện nay ghi nơi sinh tên bệnh viện thì vô hình trung sau này con tôi sẽ quên cội nguồn" - bạn đọc TVT viết.
Để đảm bảo tính khả thi và bớt phần tranh cãi, bạn đọc HoangNV đề nghị: "Thế giới ghi nơi sinh thì tại sao mình lại không ghi như vậy để tự làm khó mình khi ra nước ngoài? Hộ khẩu chỉ dùng quản lý trong nước thì ghi thêm quê quán hay nguyên quán cũng không sao. Nhưng nơi sinh thì phải có, không thể thiếu".
Chỉ ra những điều chưa phù hợp, bạn đọc Phước Nguyên dẫn chứng: "Trên căn cước công dân bao gồm: số định danh cá nhân, quê quán, nơi thường trú.
Trong đó, số định danh cá nhân (12 số) có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh thành phố hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số ngẫu nhiên.
Như vậy căn cước công dân hoàn toàn không có thông tin "nơi sinh". Thông tin nơi sinh chỉ có trên giấy khai sinh mà thôi".
Để thuận tiện khi hội nhập với quốc tế, bạn đọc Phước Nguyên kiến nghị: "Việc thiếu thông tin "nơi sinh" trên hộ chiếu và trên căn cước công dân không phải là lỗi của dân mà là cơ quan nhà nước.
Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm phải đứng ra điều chỉnh cho công dân theo chuẩn chung, phù hợp để hội nhập quốc tế trong thời kỳ công nghệ số, chứ không phải để chính người dân đi cải chính".
TTO - Bộ Công an đề nghị các cơ quan, ban ngành... căn cứ vào thông tin trên căn cước công dân gắn chip hoặc mã số định danh cá nhân để xác định nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự...