Bộ Tư pháp cho rằng việc thực hiện đấu giá trực tuyến tập trung tại hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt với tài sản công - Ảnh: TỰ TRUNG
Đề xuất trên được Bộ Tư pháp đưa ra trong tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 62 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản, cũng như xin ý kiến các bộ ngành liên quan.
Đây là điểm mới đáng chú ý trong dự thảo, khi đưa ra quy định về hình thức đấu giá trực tuyến, nhằm góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ", "xã hội đen" khi quy định cũ chưa bao quát được đầy đủ hoạt động này.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cho rằng việc quy định về hình thức đấu giá trực tuyến và các trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước là đầu mối vận hành, quản lý thống nhất, thông suốt trên phạm vi toàn quốc là cần thiết.
Theo đó, dự thảo được xây dựng sẽ bổ sung quy định, tổ chức đấu giá tài sản mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập sẽ thực hiện đấu giá bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.
Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, "tập trung", dự thảo quy định cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở trung ương sẽ thành lập hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để các tổ chức thực hiện đấu giá trực tuyến các loại tài sản.
Do vậy, với các trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến hoặc trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá tài sản đã được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo quy định trước đây, sẽ chỉ được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 3-12-2027. Sau thời gian này việc vận hành sẽ tập trung tại hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.
Lý giải về quy định này trong dự thảo, Bộ Tư pháp cho rằng sẽ đảm bảo tính thống nhất, vận hành ổn định, an toàn, bảo mật khi tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến và đảm bảo sự liên thông về cơ sở dữ liệu.
Được biết, hiện có 8 trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, không đồng tình với việc "khai tử" các trang này, Bộ Công Thương cho rằng căn cứ được đưa ra là chưa đủ cơ sở thuyết phục khi mới chỉ nêu chung chung về việc "gây khó khăn", mà chưa có thống kê cụ thể về những khó khăn gì, ở khâu nào, mức độ ra sao.
Do đó, bộ này đề nghị sửa đổi theo hướng bên cạnh việc xây dựng và củng cố các trang thông tin điện tử, cần tiếp tục để cho các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện được thành lập và quản lý, vận hành các trang này, cũng như quy định về việc liên thông giữa các trang này với trang thông tin điện tử đấu giá tài sản quốc gia.
Đồng thời quy định từ sau năm 2027 việc thực hiện đấu giá trực tuyến trên hệ thống đấu giá tài sản quốc gia sẽ áp dụng bắt buộc với tài sản công và tài sản mà pháp luật quy định. Với tài sản khác thuộc sở hữu tổ chức, cá nhân thì cần để cho tổ chức đấu giá tài sản tiếp tục quản lý, vận hành, sử dụng các trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thực hiện đấu giá.
TTO - TS Khương Kim Tạo cho rằng cơ quan chức năng nên tính toán phương án nếu sau khi trúng đấu giá, được cấp biển số nhưng người sở hữu biển chưa có xe hoặc chưa sử dụng biển số này, họ phải trả phí duy trì hằng tháng, có thể là 500.000 đồng/tháng.