Tuyên truyền chống doping tại SEA Games 31 - Ảnh: TRỌNG HẢI
Trước khi đại hội diễn ra, 6 VĐV thể hình cũng có kết quả dương tính với doping. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam phải đối mặt với sự cố có nhiều VĐV sử dụng doping đến vậy. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Ở đấu trường SEA Games, VĐV Việt Nam nhất là môn điền kinh không cần sử dụng doping vẫn có HCV. Vì vậy, những người dùng doping đã làm ảnh hưởng đến nền thể thao, làm xấu hình ảnh đất nước.
Ông NGUYỄN TRỌNG HỔ - nguyên HLV trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam
VĐV điền kinh dương tính với doping
Ngày 15-9, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT xác nhận với Tuổi Trẻ một số VĐV đoàn thể thao Việt Nam và nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với doping tại SEA Games 31 trong mẫu kiểm tra lần 1 (mẫu A).
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết số VĐV dương tính của Việt Nam có thể lên tới 6 người, trong đó có 2 VĐV điền kinh (có VĐV giành HCV).
Đại diện ngành thể thao cho biết: "Ngành thể thao đã làm việc với các VĐV có mẫu A dương tính, yêu cầu họ làm bản tường trình sự việc để xem VĐV ăn uống thế nào, dùng thuốc gì, bị ốm hay chấn thương... trong quá trình chuẩn bị và tham dự đại hội.
Dựa trên nguyện vọng của VĐV và HLV, nếu họ yêu cầu làm thêm một mẫu xét nghiệm nữa (mẫu B để đối chứng) thì ngành thể thao sẽ yêu cầu làm xét nghiệm lần 2 để đảm bảo kết quả chính xác".
Trước đó, SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam từ 12 đến 22-5. Đại hội tổ chức 40 môn thi với 526 nội dung và có sự tham dự của khoảng 5.000 VĐV đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. Đoàn Việt Nam dự đại hội với 956 VĐV, thi đấu ở tất cả các môn thi của đại hội.
Kết quả, Việt Nam giành 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ và đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội. Riêng môn điền kinh đã lập kỷ lục, gây tiếng vang lớn khi giành đến 22 HCV và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
800 - 1.000 VĐV tại SEA Games 31 được kiểm tra doping
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ sau khi SEA Games 31 kết thúc, bác sĩ Nguyễn Văn Phú - giám đốc Trung tâm Doping và y học thể thao - cho biết có 800 đến 1.000 VĐV được kiểm tra doping tại SEA Games 31.
Các VĐV được chọn kiểm tra doping dựa trên hai yếu tố: thành tích thi đấu và nguy cơ trong việc sử dụng doping. Có 20 chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... đến Việt Nam để giám sát, giúp Việt Nam tiến hành thực hành lấy mẫu trong những ngày đầu tiên.
145 cán bộ của trung tâm, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tình nguyện viên được huy động để tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping. Có 35 trạm lấy mẫu được thiết lập ở 12 tỉnh thành và sự hỗ trợ của đội ngũ tình nguyện viên.
Do 40 môn thi của SEA Games 31 được tổ chức ở 12 tỉnh thành nên có 35 trạm lấy mẫu kiểm tra doping được xác lập. Tại SVĐ Mỹ Đình, trong 6 ngày diễn ra thi đấu môn điền kinh SEA Games 31, đã có hàng trăm VĐV được kiểm tra doping.
VĐV được lấy nước tiểu để kiểm tra doping, một số trường hợp phải lấy thêm mẫu máu để phục vụ những xét nghiệm phức tạp và chuyên sâu hơn. Một VĐV có thể được kiểm tra doping nhiều lần trong quá trình dự SEA Games nếu họ giành nhiều huy chương tại đại hội.
Cán bộ lấy mẫu (DCO) là người trực tiếp quan sát khi VĐV đi tiểu để lấy mẫu. Các mẫu kiểm tra này được bảo quản nghiêm ngặt, sau đó vận chuyển sang phòng thí nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) để làm xét nghiệm trước khi công bố kết quả.
Chi phí cho một mẫu xét nghiệm là từ 180 - 200 USD, chưa kể tiền vật tư, vận chuyển, nhân lực.
Vừa tốn nhiều tiền vừa không hy vọng khi xét nghiệm lại mẫu B
Dù lãnh đạo ngành thể thao cũng hy vọng kết quả mẫu kiểm tra lần 2 (mẫu B) sẽ có kết quả khả quan hơn, nhưng trên thực tế, hầu hết các mẫu kiểm tra lần 2 đều có kết quả tương tự với kết quả kiểm tra lần 1.
Ngoài ra, để được xét nghiệm mẫu lần 2, VĐV sẽ phải đóng chi phí hàng ngàn USD cho việc xét nghiệm.
Ngày 15-9, một lãnh đạo Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Khi VĐV lấy nước tiểu hay máu để kiểm tra doping, lượng nước đó được chia vào hai lọ khác nhau, một cái là mẫu A và một cái là mẫu B. Kết quả mẫu A là mẫu chính xác, có giá trị pháp lý.
Chỉ khi VĐV có khiếu nại, họ sẽ phải đóng một khoản tiền lớn để được kiểm tra mẫu B . Khi đó, Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) sẽ yêu cầu đại diện của liên đoàn quốc gia đó có mặt tại phòng thí nghiệm (tại SEA Games 31 là phòng thí nghiệm ở Thái Lan) để chứng kiến họ mở mẫu B.
Trường hợp không đến dự thì phải làm giấy ủy quyền cho người, tổ chức khác chứng kiến họ mở và xét nghiệm mẫu B. Năm 2019, khi VĐV Trịnh Văn Vinh (cử tạ) bị xác định mẫu A dương tính với doping, Vinh được yêu cầu đóng 5.000 USD để được kiểm tra mẫu B.
Dù vậy, Vinh hay hầu hết VĐV Việt Nam có kết quả mẫu A dương tính đều không yêu cầu xét nghiệm thêm mẫu B vì có xét nghiệm lại mẫu B cũng không có nhiều hy vọng lại tốn rất nhiều tiền".
Trước thềm SEA Games 31, 17 VĐV đội tuyển thể hình Việt Nam được yêu cầu xét nghiệm doping trước khi dự đại hội theo quy định của Liên đoàn Thể hình quốc tế. Trong 17 mẫu xét nghiệm, có đến 6 mẫu cho kết quả dương tính với doping.
Tổng cục TDTT đã loại những VĐV này khỏi danh sách dự SEA Games 31. Các VĐV đang đứng trước án phạt nặng vì hành vi phi thể thao của mình. Tất cả 6 VĐV có kết quả mẫu A dương tính với doping đều không yêu cầu làm mẫu kiểm tra lần 2 là mẫu B.
Nguy cơ từ thực phẩm bổ sung cho VĐV bán ngoài thị trường
Lãnh đạo ngành thể thao cho biết hiện nhiều thực phẩm bổ sung cho VĐV được bán tràn lan ngoài thị trường ẩn chứa rất nhiều nguy cơ chứa doping. Nếu VĐV vì thiếu hiểu biết vô tình hay cố ý dùng thì rất dễ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Hiện Tổng cục TDTT đang rà soát các VĐV sử dụng thuốc uống, thuốc điều trị và các thực phẩm bổ sung đã sử dụng để đánh giá chính xác tình hình.
Thực hiện việc cấm thi đấu, tước huy chương theo thông lệ quốc tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-9, ông Hoàng Đạo Cương, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết đã nắm được việc VĐV Việt Nam dương tính với doping. Dù vậy, ông Cương cho rằng: "Việc bị doping trong thể thao là bình thường, có phải riêng VĐV Việt Nam đâu mà VĐV nước ngoài cũng bị. Chúng tôi chỉ đạo tổng cục yêu cầu VĐV phải tường trình, thực hiện kỷ luật, cấm thi đấu, tước huy chương theo thông lệ quốc tế.
Có nhiều nguyên nhân VĐV sử dụng chất cấm như cố tình hoặc sử dụng thuốc mà không hiểu biết nên vô tình dùng phải. VĐV nổi tiếng thế giới sử dụng không đúng cũng có thể dương tính với doping".
Phải truy ai là người gây ra hậu quả doping này
Hiện ngành thể thao Việt Nam có một đơn vị quản lý công tác doping là Trung tâm Doping và y học thể thao trực thuộc Tổng cục TDTT. Được thành lập hơn một thập niên qua nhưng do thiếu tài chính, trung tâm này hoạt động cầm chừng và đến nay vẫn chưa có hệ thống máy móc để có thể xét nghiệm được doping.
Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, không dùng doping điền kinh Việt Nam vẫn đủ sức giành huy chương ở đấu trướng SEA Games - Ảnh: FBNV
Vì thiếu kinh phí, việc xét nghiệm doping cho VĐV trong nước cũng bị "thả nổi". Bốn năm một lần, đại hội TDTT toàn quốc là đại hội duy nhất được tổ chức xét nghiệm doping với số lượng hạn chế. Hằng năm, hàng trăm giải vô địch quốc gia ở các môn thể thao không được xét nghiệm doping.
Duy nhất Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có xét nghiệm doping cho VĐV dự giải bóng đá chuyên nghiệp nhưng các chất làm xét nghiệm chủ yếu là chất gây nghiện và mỗi năm cũng chỉ có vài chục cầu thủ được xét nghiệm.
Nhà nước thiếu kinh phí xét nghiệm, ý thức của một số VĐV và HLV chưa cao nên đã để xảy ra những sự cố liên tiếp về doping. Gần như toàn bộ các VĐV Việt Nam dương tính với doping được phát hiện là khi tham dự các giải quốc tế.
Nhiều năm qua, công tác phổ biến kiến thức trong sử dụng doping được ngành thể thao rất quan tâm. VĐV luôn được yêu cầu chỉ ăn uống những thực phẩm tại các trung tâm huấn luyện thể thao, uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ khi có vấn đề về sức khỏe.
Dù vậy, hầu hết các trường hợp VĐV Việt Nam dương tính với doping khi giải trình đều cho rằng họ vô tình vướng vào doping do tự ý mua thuốc uống ở hiệu thuốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Hổ - giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia (nguyên HLV trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam) - cho biết: "Phải tìm tận nơi ai là người gây ra hậu quả doping này. Nếu VĐV tự dùng thì VĐV phải chịu trách nhiệm, HLV cho VĐV uống thì HLV phải chịu, nếu lãnh đạo cho uống thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Ở đấu trường SEA Games, VĐV Việt Nam nhất là môn điền kinh không cần sử dụng doping vẫn có HCV. Vì vậy, những người dùng doping đã làm ảnh hưởng đến nền thể thao, làm xấu hình ảnh đất nước".
Lịch sử "đau thương" với doping của thể thao Việt Nam
Trong 2 thập niên qua đã có không dưới 20 VĐV Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với doping. Nhiều VĐV đã bị hủy hoại danh tiếng, tiêu tan sự nghiệp đang ở đỉnh cao vì sử dụng doping. Đó là chưa kể đến việc sử dụng doping mang đến những hệ lụy lâu dài về sức khỏe.
■ Tại SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội, trong số 5 VĐV bị phát hiện dùng doping, có đến 4 VĐV của Việt Nam là Hồng Anh (canoeing, 2 HCV), Phạm Thị Dịu (lặn, 3 HCV), Toàn Thắng (lặn, 3 HCV) và Mai Quỳnh (HCB nhảy 3 bước). Cả 4 VĐV đều bị tước huy chương và bị cấm thi đấu 2 năm.
■ Năm 2008, "búp bê" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương bị phát hiện sử dụng doping tại Olympic Bắc Kinh và bị ban tổ chức trục xuất khỏi đại hội ngay lập tức.
■ Năm 2010, VĐV Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic 2008 môn cử tạ) bị xác định sử dụng doping khi tham dự Giải cử tạ vô địch thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hoàng Anh Tuấn đã bị cấm thi đấu 2 năm và phải nộp phạt 5.500 USD vì dùng doping và chi phí yêu cầu làm xét nghiệm lần 2 (mẫu B).
Thời điểm đó do cử tạ chưa thành lập liên đoàn nên Tổng cục TDTT đã phải chi 5.500 USD nộp phạt cho Tuấn.
■ Năm 2019, hai VĐV Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh (cử tạ) được xác định dương tính với doping. Cả hai bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm và phải nộp phạt 5.000 USD/người. Vinh (khi đó 24 tuổi) là lực sĩ hàng đầu của thể thao Việt Nam, được đầu tư trọng điểm với mục tiêu giành HCV Asiad, giành vé đến Olympic.
Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, anh từng giành rất nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam như HCV châu Á, HCV SEA Games. Tuy nhiên, việc dùng doping đã khiến sự nghiệp đỉnh cao của Vinh tiêu tan.
TTO - Ngày 14-9, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết có 6 vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam có kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính với doping tại SEA Games 31. Đây là thông tin rất buồn với thể thao Việt Nam.
Xem thêm: mth.80730832251902202-gnipod-iv-gnod-gnur-man-teiv-oaht-eht/nv.ertiout