Tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đề xuất phương án các cá nhân hoạt động môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và phải hành nghề trong một tổ chức, sàn giao dịch BĐS. Việc này được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn, hạn chế được tình trạng môi giới hoạt động bát nháo, thổi giá BĐS tràn lan như thời gian qua.
Mờ nhạt vai trò quản lý
Theo Bộ Xây dựng, dù Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đã có quy định về điều kiện, trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, tuy nhiên điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới BĐS còn đơn giản; chưa kiểm soát tốt được hoạt động của các cá nhân hành nghề môi giới BĐS.
Đơn cử như một bộ phận đội ngũ làm môi giới BĐS còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Một bộ phận hoạt động tự do, không có chứng chỉ môi giới... dẫn đến tình trạng làm ăn "chụp giật", gây thiệt hại cho khách hàng, làm thị trường BĐS "méo mó" nhưng không ai bị quy trách nhiệm.
Cò đất từng náo loạn khu vực gần cầu Mã Đà nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai hồi tháng 3-2022. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, dù cả nước có hơn 300.000 môi giới BĐS nhưng chỉ khoảng 30.000 người đã được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề, phần lớn những môi giới còn lại hoạt động tự do kiểu "cò đất, cò nhà". "Chính vì thiếu lực lượng môi giới BĐS chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề, có mã số nên trong thời gian qua, giới đầu nậu, cò đất, cò nhà, doanh nghiệp bất lương thường xuyên thổi giá, đẩy giá, giao dịch ảo, tạo khan hiếm giả tạo, gây ra "sốt ảo" trên thị trường BĐS" - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra một lỗ hổng khác chính là thiếu sự quản lý, cũng như công cụ để kiểm soát nên nhiều người làm môi giới BĐS vừa không có chứng chỉ hành nghề vừa không kê khai nộp thuế theo quy định, dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Ngay cả sở xây dựng các địa phương cũng không quản lý được số lượng các sàn giao dịch BĐS còn hoạt động hay đã đóng cửa; chưa có công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu để đánh giá và quản lý chất lượng cũng như năng lực thật sự của các sàn giao dịch này.
Phải làm mạnh tay và lâu dài
Từng lên tiếng nhiều lần về việc định danh và nâng tầm của người làm môi giới BĐS, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng trong những năm trở lại đây, lực lượng môi giới BĐS đã có sự thay đổi, tiến bộ rất lớn. Nhiều công ty đã xây dựng được lực lượng môi giới có chuyên môn, kỹ năng, đạo đức tốt và có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, đây chỉ là yêu cầu của một số doanh nghiệp, chứ cơ quan quản lý không bắt buộc và cũng không kiểm tra, kiểm soát như những ngành nghề khác. Do đó, việc Bộ Xây dựng đưa quy định các cá nhân hoạt động môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong một tổ chức, sàn giao dịch môi giới BĐS là rất phù hợp và cần thiết để đưa hoạt động này vào khuôn khổ.
Ông Lâm cũng đề nghị phải có cơ quan cụ thể để quản lý lực lượng này ở địa phương, ví dụ như sở xây dựng, để tránh tình trạng môi giới, cò đất hoạt động bát nháo như thời gian qua. Ngoài ra, trong tương lai cần có trung tâm cung ứng dịch vụ liên quan đến môi giới BĐS có chất lượng và hoạt động dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý để việc đào tạo và cấp chứng chỉ đạt hiệu quả, tránh tiêu cực.
Ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Smartland - đơn vị chuyên môi giới BĐS phân khúc cao cấp, cho biết việc nâng tầm cho người làm môi giới BĐS là rất cần thiết và lẽ ra phải triển khai sớm. Nếu đã làm muộn thì cần phải mạnh tay và lâu dài hơn chứ không phải đưa ra quy định rồi không có ai thực thi hay kiểm tra, kiểm soát. Theo ông Việt, điều quan trọng là khi quản lý người làm môi giới BĐS bằng mã số và chứng chỉ hành nghề để họ có trách nhiệm hơn thì luật cũng phải quy định để bảo vệ quyền lợi cho họ trong quá trình hoạt động môi giới. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về việc cấp mới và cấp lại chứng chỉ hành nghề cũng như việc kiểm tra, kiểm soát thế nào để tránh ảnh hưởng đến quá trình hành nghề của nhân viên môi giới. "Ngoài ra, những thông tin về nhân viên môi giới BĐS, lịch sử hoạt động của họ cũng cần được minh bạch, công bố trên một hệ thống điện tử để không chỉ cơ quan quản lý kiểm tra mà cả khách hàng, chủ doanh nghiệp cũng dễ dàng tra cứu, đánh giá chất lượng và quyết định có nên đặt niềm tin vào người môi giới đó hay không" - ông Việt nêu ý kiến.
Xem thêm: mth.46413911261902202-oahn-tab-teh-es-nas-gnod-tab-ioig-iom/et-hnik/nv.moc.dln