vĐồng tin tức tài chính 365

Theo xe máy gắn xích gieo chữ nơi “cổng trời”

2022-09-17 06:34

Điểm trường Ea Rớt (Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui) cách trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk gần 20 km. Để đến được điểm trường, nhiều thầy cô phải thức dậy từ sớm để chuẩn bị tư trang lên đường.

Bỏ sẵn xích trong cốp xe

Sáng thứ Hai đầu tuần này, cô Mai Thị Hằng (33 tuổi, giáo viên (GV) lớp 5) phải thức dậy từ rất sớm. Cô chia sẻ phải tranh thủ đi chợ mua sẵn đồ đạc, vật dụng đưa vào điểm trường. “Hôm nay, các GV đã đi trước. Tôi đi sau cùng nên phải mua một số thứ cho sinh hoạt cả tuần như mắm, muối, gạo, thức ăn… vì vào trong đó không có chợ” - cô Hằng mở đầu câu chuyện.

Theo xe máy gắn xích gieo chữ nơi “cổng trời” ảnh 1

Xe máy của giáo viên bị cuốn xích, mắc kẹt giữa bùn lầy. Ảnh: MH

Chiếc xe máy gắn bó với cô Hằng gần 10 năm qua là bạn đồng hành của cô. Cô Hằng mở cốp xe rồi bỏ vào trong đó hai dây xích. Cô cho biết đây là hai sợi xích đã được “độ chế” cho phù hợp để gắn vào lốp xe máy để tăng độ ma sát cho xe, đề phòng đường trơn trượt khó đi.

Theo cô Hằng, đường đến điểm trường Ea Rớt mỗi mùa có một nỗi khổ riêng. Mùa khô thì đường tung đầy bụi bám vào người, mùa mưa thì đường trơn trượt.

Đúng như dự đoán, khi trên đường đến buôn Ea Rớt, cơn mưa ở Tây Nguyên bất chợt ập đến khiến đoạn đường dẫn vào trường buôn Ea Rớt như càng xa hơn. Mặt đường biến thành sình lầy, trơn trượt và dựng đứng. Những chiếc xe máy đã về số 1, động cơ gầm rú liên hồi nhưng không thể di chuyển được. Lúc này, cô Hằng dừng xe giữa đường rồi mở cốp xe lấy dụng cụ “bảo bối” để tiếp tục chuyến hành trình.

“Thường thì chúng tôi đi từ rất sớm để tránh mưa nhưng có nhiều chuyến đang đi thì mưa dông bất chợt ập đến. Đến cả đàn ông cũng khó di chuyển chứ đừng nói là cánh phụ nữ chúng tôi. Nếu mưa quá, chúng tôi thường vào nhà người dân gần đó, chờ ngớt mưa, đường ráo mới tiếp tục di chuyển được” - cô Hằng kể.

Cũng may mắn, cơn mưa đầu tuần không kéo dài lâu. Nắng vừa hửng lên, mặt đường cũng bắt đầu khô ráo. Cô Hằng tiếp tục chuyến hành trình. “Chỉ có người yêu nghề lắm mới gắn bó lâu dài ở buôn Ea Rớt. Chị em chúng tôi cũng luôn động viên nếu không cố gắng, con em ở buôn Ea Rớt sẽ bị thất học, đời sống của người dân sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi lên đường hoàn thành nhiệm vụ” - cô Hằng bùi ngùi tâm sự.

Thiếu thốn đủ thứ

Năm học 2022-2023, điểm trường Ea Rớt có gần 200 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số người H’Mông di cư tự do.

Cô Phạm Thị Bích Châu (27 tuổi, GV lớp 1) kể đời sống của người dân ở buôn này còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nước sinh hoạt không có, GV phải đưa can đến từng hộ dân để xin nước mưa, nước suối.

Khi đang đi đường mà trời có mưa, đường sẽ rất trơn trượt, bánh xe thì nhẵn, không có lực ma sát nên không thể bám đường được. Lúc này, chúng tôi phải dừng xe rồi gắn xích vào lốp để tăng độ ma sát cho bánh xe thì xe mới đi được và không bị trượt ngã

Cô giáo MAI THỊ HẰNG

“Điểm trường được tặng một thiết bị năng lượng mặt trời nhưng đã hư hỏng từ lâu. GV đã báo với lãnh đạo nhà trường để sửa chữa nhưng đến nay đơn vị bảo trì vẫn chưa vào. Trong thời gian này, chúng tôi đến nhờ nhà dân để sạc điện thoại. Nước ngầm cũng không bơm được vì không có điện. Buổi tối, chúng tôi thắp nến để soạn giáo án và sinh hoạt” - cô Châu cho hay.

Cũng theo cô Châu, học sinh đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số nên tiếp thu tiếng phổ thông khá chậm. Có một số em lên lớp nhưng “không hợp tác với GV” vì bất đồng ngôn ngữ.

“Thương học trò như con mình nên chúng tôi mới khắc phục rất nhiều khó khăn để lên điểm trường dạy. Chúng tôi tin rằng các em sẽ dần thấu hiểu và tiến bộ, tiếp thu kiến thức đầy đủ” - cô Châu nói.

Thầy Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, cho biết trường có 40 GV và phải luân chuyển liên tục vào điểm trường Ea Rớt. “Một năm sáu GV phải di chuyển vào điểm trường Ea Rớt để giảng dạy chín tháng. Những trường hợp như lớn tuổi, thai sản, bệnh tật đều được miễn vào điểm trường này” - thầy Thuần cho hay.

Ông Bùi Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, cho biết buôn Ea Rớt chủ yếu là nơi sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có chủ trương làm dự án đường bê tông nối vào điểm trường Ea Rớt. “Chiều dài của con đường gần 10 km, rộng 3 m, tổng mức đầu tư hơn 40 tỉ đồng. Chúng tôi hy vọng tỉnh sớm triển khai con đường này để người dân, GV đi lại thuận tiện và xóa đói giảm nghèo” - ông Tâm cho hay.•

Gọi là “cổng trời” vì xe toàn chạy lên dốc

Thầy Nguyễn Hồng Thuần cho hay trong số ba điểm trường ở xã Cư Pui, điểm trường Ea Rớt gặp nhiều khó khăn nhất. Nơi đây chưa có điện, phải dùng năng lượng mặt trời. Những ngày mưa dầm kéo dài, không đủ năng lượng để sạc điện thoại. Nhiều phụ huynh dù có điện thoại thông minh cũng không có tiền sử dụng Internet 3G, 4G nên rất khó triển khai việc học online.

Giải thích vì sao gọi đường vào buôn Ea Rớt là lên “cổng trời”, ông Bùi Văn Tâm cho rằng đường đến buôn phải leo nhiều dốc dựng đứng. “Nói đến “cổng trời” Ea Rớt cũng ngụ ý nói về buôn khó khăn bậc nhất ở xã. Đến được với buôn này như lên được đỉnh “cổng trời”” - ông Tâm cho hay.

Xem thêm: lmth.239896tsop-iort-gnoc-ion-uhc-oeig-hcix-nag-yam-ex-oeht/nv.olp

“Theo xe máy gắn xích gieo chữ nơi “cổng trời””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools