Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Ngày 17-9, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 63 địa phương.
Hội nghị sẽ có sự tham dự của nhiều hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như một số tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, logistics…
Trước đó, tổng hợp các vướng mắc của các hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các vấn đề được kiến nghị tới Thủ tướng chủ yếu tập trung vào các chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực như điện, năng lượng, cơ chế phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, các nguồn điện lớn như LNG; cơ chế cho các sản phẩm dược phẩm, chương trình thị thực điện tử, miễn thị thực, hệ thống đăng ký đất đai, chính sách quản lý đất đai, việc thắt chặt tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, các vấn đề thuế, hải quan…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành họp sau 17h
Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo về dự kiến chương trình họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 4 chuyên đề giám sát. Đặc biệt cả 4 chuyên đề này đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến sau 17h các ngày từ 19 đến 22-9. Việc họp này thể hiện tinh thần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh là Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ.
Trong đó ngày 19-9 cho ý kiến về dự thảo kế hoạch và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Ngày 20-9 cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ngày 21-9 cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Ngày 22-9 cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thương mại điện tử Việt Nam đạt 16,4 tỉ USD năm 2022
Mua sắm online ở Việt Nam phát triển nhanh, tuy nhiên thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm ưu thế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỉ USD, tăng 1,9 tỉ USD so với năm 2020, theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành.
Theo đó, tỉ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 2% so với năm 2020.
Sau 5 năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đã tăng gấp đôi, dự báo năm 2022 quy mô thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt 16,4 USD.
Đáng chú ý là sự dịch chuyển trong thói quen mua sắm, thanh toán không tiền mặt của người dùng mua hàng trực tuyến vẫn chậm. Người Việt mua hàng qua mạng vẫn ưu tiên lựa chọn sử dụng thanh toán bằng tiền mặt (thanh toán khi nhận hàng - COD), sau đó mới đến ví điện tử, thẻ ATM nội địa, thẻ tín dụng (hoặc thẻ ghi nợ nội địa).
Sau 11 năm, tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng qua mạng tại Việt Nam chỉ giảm từ 78% xuống 73%. Tỉ lệ thanh toán bằng ví điện tử tăng từ 23% lên 37%, tỉ lệ thanh toán bằng thẻ ATM nội địa giảm từ 39% xuống 27%…
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 cũng cho biết những trở ngại khi mua hàng trực tuyến là chất lượng kém so với quảng cáo, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển cao, chất lượng vận chuyển và giao nhận kém, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém…
Sắp đưa ra phương án sửa biểu giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được chia làm 6 bậc thang, áp dụng từ năm 2014. Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, biểu giá này đang bộc lộ những bất cập - Ảnh: N.H.
Cục Điều tiết điện lực vừa báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện dự thảo quyết định thay thế quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, cơ quan này đã xây dựng dự thảo quyết định và có các báo cáo gửi thứ trưởng phụ trách, làm căn cứ để giải trình, tiếp thu các ý kiến.
Cục cũng đã có báo cáo gửi bộ trưởng Bộ Công Thương thông qua dự thảo quyết định, làm cơ sở đăng trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi và thực hiện lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.
Như vậy, đến nay sau nhiều lần xây dựng dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo để công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi. Đề án sửa đổi biểu giá điện được nêu ra từ năm 2020, nhưng do tác động của dịch COVID-19 nên bộ này đã có đề xuất Thủ tướng cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá điện bán lẻ đến thời điểm thích hợp.
Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang, áp dụng từ năm 2014. Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, biểu giá này đang bộc lộ những bất cập, nên trong đề xuất trước đây bộ kiến nghị biểu giá điện bậc thang sẽ rút ngắn còn 5 bậc, nhưng không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân.
TP.HCM kiểm tra, xử phạt xe tập lái chạy trong khu dân cư
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường tuần tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng xe tập lái và tổ chức giảng dạy thực hành lái xe trên đường của các cơ sở đào tạo lái xe. Trường hợp nào sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Động thái này nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp giảng dạy thực hành lái xe sai tuyến đường tập lái được cấp phép, cũng như các quy định có liên quan khác để phòng ngừa các trường hợp tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thời gian qua, nhiều người dân phản ảnh một số xe ô tô gắn biển "xe tập lái" của các cơ sở đào tạo lái xe đã tập lái xe trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông đường bộ.
TP.HCM sẽ xử lý người hút thuốc trên phà và phương tiện thủy công cộng
Nhằm đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và đảm bảo tuân thủ không hút thuốc lá ở những nơi công cộng, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các đơn vị và chủ các phương tiện đường thủy vận tải hành khách.
Theo đó sở đề nghị các chủ phương tiện thủy tham gia vận tải hành khách thực hiện nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy, không hút thuốc lá trên phà và các phương tiện khác.
Các đơn vị chỉ đạo nhân viên, thuyền viên thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở hành khách không hút thuốc trên phà, phương tiện thủy công cộng. Đồng thời các đơn vị chủ động phối hợp cơ quan chức năng xử nghiêm hành vi này.
Các đơn vị thuộc sở quản lý về mặt đường thủy thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các công ty, chủ bến phà, chủ phương tiện.
TTO - Viện kiểm sát bồi thường cho 3 người với số tiền hơn 4,2 tỉ đồng; Bô xít Tân Rai, Nhân Cơ mới đạt 20% mục tiêu công suất; Đến năm 2030, khoảng 48 triệu người Việt có thu nhập trên 20 USD/ngày; Khách Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều nhất...