Sáng ngày 17-9, tỉnh Long An trọng thể tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 55 năm ngày tỉnh Long An được Trung ương tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17-9-1967 – 17-9-2022).
Đến dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành và đông đảo nhân dân.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Ảnh: HUỲNH DU |
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống hào hùng đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An.
Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi nhọn giáp công, trong mùa khô 1965-1966, quân và dân Long An đã kiên cường bám trụ, giữ vững địa bàn, bảo đảm nhiệm vụ chiến trường và là hành lang chiến lược.
Hình hộp tái hiện những năm kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Long An, bên trong Công viên tượng đài Long An. Ảnh: HUỲNH DU |
Từ ngày 5-6 đến 20-7-1967, quân dân huyện Cần Giuộc đã đánh trên 50 trận, bắn rơi nhiều máy bay, nhấn chìm nhiều tàu chiến địch. Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 17-9-1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phong tặng tỉnh Long An danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Đây là một trong những điểm son tô thắm cho truyền thống cách mạng vẻ vang của dân và quân Long An trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau ngày thống nhất đất nước, quân và dân Long An ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn trong những năm gần đây, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân 5 năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 9,11%. Nhiều năm qua, Long An luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,11%.
Long An có mức tăng trưởng kinh tế đứng 6 trong 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Ảnh: HD |
Tỉnh có hai vùng kinh tế đặc trưng là vùng trọng điểm nông - lâm nghiệp ở các huyện phía Bắc và vùng công nghiệp - thương mại - dịch vụ ở các huyện phía Nam. Cơ cấu kinh tế đang ngày càng chuyển dịch mạnh sang khu vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Đồng thời, thu hút mạnh các nguồn đầu tư phát triển, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài; đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn đạt ở mức cao trong toàn quốc. Toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 1.700 dự án đầu tư với diện tích hơn 2.400ha, lấp đầy trên 91%; 22 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút gần 700 dự án,…
Long An từng bước vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vươn lên cùng các tỉnh, thành trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.