Một tiết mục sân khấu hóa tái hiện cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn tại Lễ hội Lam Kinh 2022 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Đây cũng là dịp tỉnh Thanh Hóa kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Diễn văn tại khai mạc Lễ hội Lam Kinh 2022 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng trình bày - khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, công đức của Vua Lê Thái Tổ và tôn vinh giá trị quý báu của Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
"Sau triều đại nhà Hồ (năm 1407), nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416 tại Lũng Nhai (Thanh Hóa), Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân. Ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418) tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.
Trải qua 10 năm, năm 1428 cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đã giành toàn thắng, quân xâm lược bị quét ra khỏi bờ cõi, nền độc lập dân tộc được khôi phục. Cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí anh dũng, quật cường đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến.
Tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV" - ông Đầu Thanh Tùng phát biểu.
Ông Đỗ Trọng Hưng - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - đánh trống khai mạc Lễ hội Lam Kinh 2022 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu 1433, Vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Vĩnh Lăng đất Lam Sơn, và khu điện miếu Lam Kinh cũng được bắt đầu xây dựng từ đây ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Với những giá trị nổi bật, ngày 27-9-2012 di tích Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được đầu tư nhiều nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Nhiều hạng mục, công trình của di tích được phục dựng. Đến nay, có 5 bia ký được công nhận là bảo vật quốc gia, sưu tầm được 1.031 hiện vật gốc.
Với bề dày lịch sử - văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên, Lam Kinh đang trở thành một trong những điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn bậc nhất của xứ Thanh hiện nay.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Lam Kinh 2022 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tại Lễ hội Lam Kinh 2022 còn có các trò diễn dân gian đặc sắc như: trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường, múa bát dân tộc Dao.
Đây là dịp nhằm tri ân, tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Lễ hội sẽ diễn ra hết ngày 18-9.
TTO - Sáng 1-9, Sở Văn hóa - thể thao - du lịch Thanh Hóa cho biết: Lễ hội Lam Kinh - 2008 kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 575 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi sẽ được tổ chức vào sáng 21- 9 tại sân điện Lam Kinh, xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân).