"Cũng sống được với nghề này là một, thứ hai là nhiều khi nhìn ánh mắt của khách hàng, người ta nhìn thấy khắc cây viết nó không giá trị bao nhiêu, nhưng chữ viết của mình tăng giá trị của món quà", ông Lê Tiến Dũng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Đây là những lý do lớn nhất để ông Dũng gắn bó với công việc này. Một cây dù che nắng mưa, một hộp đồ nghề gọn nhẹ thành một "tiệm khắc chữ", tuy dã chiến, nhưng bền bỉ gần nửa thế kỷ nay.
"Khoảng 10 năm về trước, công việc rất nhiều, thậm chí làm cả đêm vì ngày xưa quà cảm ơn, quà cưới khắc có khi đến 1.000 sản phẩm, nhưng bây giờ công nghệ nó ra đời, giá máy rẻ, khách hàng cũng giảm đi. Bây giờ chú chỉ còn những khách hàng thân thiết, những người rất trân trọng làm bằng tay. Nhiều người nói thủ công mỹ nghệ phải bằng tay chứ không phải bằng máy", ông Lê Tiến Dũng chia sẻ thêm.
Ông Dũng đã gắn bó với nghề khắc chữ gần nửa thế kỷ nay.
Nếu bạn muốn tặng một quà, hay bất cứ thứ gì có dấu ấn cá nhân, việc khắc chữ sẽ tốn chỉ khoảng vài chục ngàn hoặc cả trăm ngàn tùy độ khó của chất liệu.
Ban đầu là nghề mưu sinh, qua hàng chục năm gắn bó, việc khắc chữ trở thành cái nghiệp "cha truyền con nối".
"Ở nhà mình đang phát triển một số sản phẩm để bán trên mạng. Khi có khách du lịch, ba mình sẽ giới thiệu sản phẩm ba mình làm. Cái hay của nó là cá nhân hóa những sản phẩm khắc cho khách hàng. Người ta thích sự cá nhân hóa đó", anh Lê Hải Dương, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trải qua gần nửa thế kỷ, nhiều thứ đổi thay, nhưng ở đâu vẫn còn khách hàng, nghĩa là ở đó vẫn còn dịch vụ, vẫn còn những "cửa hàng đặc biệt" như thế này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.10274302271902202-eh-aiv-nert-yk-eht-aun-nag-uhc-cahk-meit/et-hnik/nv.vtv