vĐồng tin tức tài chính 365

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 8: Người trong cuộc mới hiểu người... trong kẹt

2022-09-18 13:00
Tôi đi làm cò đất - Kỳ 8: Người trong cuộc mới hiểu người... trong kẹt - Ảnh 1.

Thời giao dịch chậm, thông tin rao bán đất xuất hiện khắp nơi - Ảnh: MẠNH DŨNG

Bị ăn chặn tiền hoa hồng

Từng là trưởng phòng kinh doanh một công ty BĐS có tiếng và hiện là môi giới tự do ở khu vực nhà phố trung tâm TP.HCM, anh Bùi Duy Phong (sinh năm 1993, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay nghề BĐS có tính đào thải rất cao, 100 người vào thì chỉ sau vài tháng hay một năm, số người trụ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo anh Phong, cò và môi giới khác nhau hoàn toàn. "Cò thì ai cũng có thể làm được, nhưng để gọi là môi giới hay chuyên viên tư vấn thì ngoài kỹ năng còn phải có đạo đức nghề nghiệp", anh nhận định.

"Nhiều người muốn dấn thân vào môi giới BĐS vì nghe nói nghề này nhiều tiền lắm, cho mình thu nhập đột phá, nhưng mà không có đâu, đó chỉ là những khía cạnh màu hồng nhỏ lắm", anh nói.

Bốn năm kinh nghiệm nghề, anh Phong chia sẻ một vài câu chuyện "trời ơi đất hỡi" bên cạnh những giao dịch "trầy da tróc vảy" mới đạt được như dẫn vài chục khách đi xem nhà thì chỉ một, hai người mua, nhiều lúc còn không có nổi một ai.

Rồi anh Phong kể thời điểm mới vào nghề, giao dịch đầu tiên của anh tuy thành công nhưng... 30 chưa phải là tết. Lần đó, anh Phong được bà Tuyết Mai (đã đổi tên, chủ nhà) là một nữ doanh nhân thành đạt giao bán căn nhà 6,2 tỉ đồng (giá chào 6,6 tỉ đồng) ở quận Bình Tân, và hứa cho anh 100 triệu đồng phí hoa hồng.

"Số tiền đó đâu ít, nhất là khi mới vô nghề mà nghe được chừng đó thì mê lắm nên tôi miệt mài đăng tin khắp các trang mạng, trích 30% lương cứng để marketing cho căn đó, có khách quan tâm đều dẫn tới xem nhà. Cuối cùng có một khách đồng ý mua, hai bên thống nhất giá 6,2 tỉ đồng.

Hoàn tất hợp đồng, chủ nhà hẹn một tuần nữa sẽ trả phí. Cả tuần hồi hộp, không ăn ngủ gì được, còn nghĩ có số tiền đó sẽ làm gì đây", anh kể và cho hay sau một tuần khi khách đặt cọc xong thì chủ nhà... chơi bài lật lọng.

Bà Mai đưa anh Phong chỉ 30 triệu đồng với lý do "cô bán không được giá, đáng lẽ cô phải bán 6,6 tỉ đồng mà thu về chỉ có 6,2 tỉ đồng, nên cô cho con 30 triệu đồng thôi". Không chấp nhận, anh nói với bà Mai rằng theo quy định nghề BĐS, môi giới phải được trả tối thiểu 1% giá trị giao dịch căn nhà, tức anh phải được ít nhất 62 triệu đồng.

"Nhưng nói cỡ nào bà Mai cũng chỉ chuyển đúng 30 triệu đồng. Khi đó tôi ấm ức lắm, không nghĩ giám đốc một doanh nghiệp lớn lại ăn chặn tiền môi giới như vậy", anh nhớ lại. Đòi liên tục thì sau hai tuần, bà Mai chuyển cho anh Phong thêm... 5 triệu đồng kèm lời đề nghị: "Cô còn một căn nhà nữa, khi nào cô bán được thì cô trả hết tiền phí còn lại cho con". Anh Phong coi như mất luôn 27 triệu đồng phí môi giới lần đó.

Bẵng đi nửa năm, bà Mai lại gọi điện nhờ bán giúp một căn khác, anh Phong vẫn nhận lời và đăng tin rao bán. Rút kinh nghiệm lần trước, anh đề nghị làm hợp đồng cam kết trả phí môi giới đầy đủ song bà Mai không chịu. "Sau đó tôi đã gỡ tin đăng xuống và từ đó không làm việc với chủ nhà này nữa", anh tâm sự.

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 8: Người trong cuộc mới hiểu người... trong kẹt - Ảnh 2.

Các môi giới BĐS đi khảo sát nhà phố bằng cách ghi chép thông tin và chụp ảnh căn nhà để đăng tin rao bán - Ảnh: DIỆU QUÍ

Có kinh nghiệm vẫn bị... lầm

Không chỉ bị quỵt gần một nửa phí môi giới, anh Phong còn gặp tình trạng luồn cò. Anh kể đầu tháng 7 vừa qua có một vị khách muốn mua nhà phố để đầu tư nên anh đã gửi 5 - 6 sản phẩm để người này xem. "Những căn tôi gửi giá thấp hơn thị trường khá nhiều để khi họ bán ra sẽ bằng hoặc hơn giá thị trường để có lời. Nhưng tôi gửi thì chị ấy chê đủ kiểu, nói không mua.

Vậy mà sau hai tuần kể từ khi gửi sản phẩm, tôi lại thấy chị ấy đang rao bán chính hai căn mà tôi giới thiệu để kiếm khách mua. Tức là căn nhà tôi giới thiệu, chị ấy không làm việc với tôi mà tới làm trực tiếp với chủ nhà.

Thay vì trả phí 40 triệu đồng (hai căn) cho tôi thì chị này luồn cò để khỏi trả tiền môi giới, trong khi hồi năm 2020 tôi còn giúp chị ấy bán được hai căn nhà", anh Phong tâm sự mình thiệt thòi ở chỗ là môi giới tự do, thường làm việc với khách và chủ nhà dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau chứ không có hợp đồng ràng buộc, cam kết trả phí đầy đủ như các sàn, công ty BĐS. "Làm sale BĐS mấy năm rồi đôi khi vẫn bị lầm vì tin khách, tin chủ nhà là người đàng hoàng", anh Phong nói.

Tương tự, chị Thư Võ (sale căn hộ chung cư TP.HCM) cũng từng chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của mình trên một diễn đàn về nghề môi giới. "Làm sale căn hộ thứ cấp nói chung cũng "nhàn". Khách xem nhà 8 tỉ mà trả giá xuống còn... 7 tỉ, chủ nhà chửi thiếu điều vuốt mặt không kịp.

Còn không thì dẫn khách đi coi nhà, khách biết mã căn rồi lặng lẽ kêu sale khác vô deal giá, sale khác cũng tự "cắt máu", chịu giảm hoa hồng để chốt cho nhanh. Thế là khách "đá" mình ra rồi chốt luôn căn đó của mình", chị Thư viết.

Khó khăn bủa vây thị trường

Nói về BĐS thời điểm mấy tháng nay, anh cho biết thị trường đang gặp khó khăn khi ngân hàng siết cho vay. Ngoài ra, phương thức kiếm khách hàng bây giờ cũng khó hơn trước vì bị những tin ảo phủ sóng, làm náo loạn thị trường, khách hàng khi nhận ra bị lừa thì càng có cái nhìn xấu và dè chừng với môi giới.

Thời điểm tháng 5, tình hình kinh doanh của Công ty Hùng Anh mà chúng tôi nhập vai cũng gặp khó khăn theo biến động của thị trường. Tổng kết tháng 5, công ty đạt 30% so với kế hoạch đề ra khi đặt mục tiêu doanh số 6 tỉ đồng nhưng chỉ đạt 1,8 tỉ đồng (công ty này tính doanh số là tổng hoa hồng môi giới thu về). Tuy vậy, trong buổi họp, giám đốc công ty cho biết từ tháng 6 đến cuối năm, khu vực nhà trung tâm bùng nổ mạnh.

"Họ sẽ đưa tiền về trung tâm, biết BĐS trung tâm giữ tiền tốt nhất. Các bạn cứ cố gắng đăng tin nhiều sẽ có khách", ông Thức nói. Trong khi đó, anh Đặng Văn Hoàng (đã đổi tên) - một trong những top sale của công ty - lại nhận xét lượng khách quan tâm ở thời điểm đó khá ít. Khách gọi ít, không có nhiều giao dịch, và khi có thì giá trị căn nhà cũng không lớn.

"Ngân hàng đang siết cho vay BĐS, nguồn hàng của phòng kinh doanh chúng ta cũng chưa phong phú", anh Hoàng nói và cho biết đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng chi phí làm marketing, song cả tháng vẫn chưa ký hợp đồng nào.

Cuộc họp hôm đó team tôi ai cũng không giấu được áp lực và lo lắng. Mà người rầu nhất chắc là chị Khánh Ngân (đã đổi tên) vì dù đã nỗ lực rất nhiều, song hơn bốn tháng vẫn chưa ký được hợp đồng nào, cả nhà thuê lẫn bán.

Không biết do "thời chưa tới" hay do... xui mà suốt thời điểm tôi làm môi giới là lúc thị trường BĐS được cho là khá khó khăn. Các ngân hàng có động thái kiểm soát tín dụng, thắt chặt giải ngân cho vay BĐS, phân lô tách thửa cũng đang bị siết ở các tỉnh.

Đến đầu tháng 9, thị trường BĐS vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trầm lắng. Thanh khoản giảm khiến thị trường suy thoái, giao dịch thành công nhỏ giọt. Ngoài ra, tâm lý người bán lẫn người mua cũng bị ảnh hưởng nhiều. Người muốn mua thì không thể vay, người muốn xả hàng cắt lỗ cũng khó.

Do doanh số giảm liên tiếp ba tháng, từ 2 tỉ xuống còn 350 triệu đồng, phòng kinh doanh của tôi quy định trong tháng tiếp theo mỗi người phải ký được một hợp đồng thuê hoặc bán, và giá trị phải trên 100 triệu đồng.

"Mỗi người tự đưa ra mức tiền cược, ai đạt sẽ được thưởng gấp đôi mức cược, ai không đạt thì phạt theo số tiền đã cược. Đặc biệt, bạn nào có doanh số trên 500 triệu đồng trong tháng sẽ được thưởng 1 chỉ vàng", trưởng phòng Trần Ngọc Tuấn nói.

Do không bán được gì nên môi giới, nhất là người mới làm thời gian ngắn cũng lần lượt ra đi. Công ty tôi ra thông báo mỗi nhân sự phải tìm thêm một, hai người mới để đưa vào. Nếu người mới vào đó bán được nhà thì người giới thiệu sẽ được thưởng 1 triệu đồng, các mức thưởng nâng dần lên theo số lần bán.

************

>> Kỳ tới: Hợp cò, phá cò

Không chỉ thời khó này, mà ngay lúc đất đai nóng sốt, thanh khoản vèo vèo, các cò đất cũng phải biết hợp tác với nhau để ăn nên làm ra...

Tôi đi làm cò đất - Kỳ 7: Phía sau giấc mộng đổi đờiTôi đi làm cò đất - Kỳ 7: Phía sau giấc mộng đổi đời

TTO - Tôi được may mắn tham gia "phi vụ" bán một dãy phân lô F0 (đất chưa qua đầu tư - PV) tại xã Vinh Phú (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) của anh Thanh (đã đổi tên), một môi giới bất động sản đồng thời là nhà đầu tư.

Xem thêm: mth.16733439081902202-tek-gnort-iougn-ueih-iom-couc-gnort-iougn-8-yk-tad-oc-mal-id-iot/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tôi đi làm cò đất - Kỳ 8: Người trong cuộc mới hiểu người... trong kẹt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools