Những bao cua đồng được đầu mối thu mua sẵn sàng phân phối đi các nơi
Ngày 18-9, tại làng nghề làm lọp cua đồng xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, người dân nhộn nhịp thu hoạch cua đồng. Từ 4h sáng, người dân đã ra đồng thăm lọp, khoảng 11h - 16h hằng ngày là thời điểm mua bán cua diễn ra sôi nổi nhất.
Vựa cua Bích Thủy nhộn nhịp mỗi ngày trong tiếng cười nói được mùa
Anh Nguyễn Văn Mộng, ngụ xã Bình Thạnh, cho hay nghề đặt lọp cua đồng hơn 20 năm qua đã giúp anh nuôi ba đứa con ăn học, đứa lớn nay là sinh viên một trường đại học tại TP.HCM. Nghề lọp cua đồng làm quanh năm, cao điểm mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm cho thu nhập tốt nhất.
Với 600 cái lọp, mỗi ngày anh thu hoạch được 50-60kg cua đồng. Ban đầu cân cho mối, khoảng hai năm nay vợ chồng anh đứng ra làm đầu mối mua lại cua của bà con trong xóm.
Vựa cua Bích Thủy của vợ chồng anh chị thu mua 450-500kg/ngày từ hơn 100 hộ dân trong xã, sau đó chuyển đi tiêu thụ tại TP.HCM. Mùa này giá mua tại vựa 15.000 đồng/kg, riêng cua kình càng (càng to) 35.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Mộng phân loại cua sau khi thu mua
Ông Nguyễn Văn Mỹ, 57 tuổi, cùng ngụ xã Bình Thạnh, cũng có hơn nửa đời người kiếm sống bằng nghề lọp cua đồng. Mùa nước nổi này, 300 cái lọp của ông mỗi ngày bắt được 25-30kg cua, thu nhập ổn định trên dưới 400.000 đồng.
"Mùa nghịch, tháng 2-3 hằng năm chỉ bắt được 7-8kg/ngày, bù lại được giá khoảng 60.000 đồng/kg, thành ra thu nhập ổn định quanh năm", ông Mỹ nói.
Một nông dân phấn khởi chở gần 30kg cua đem cân cho đầu mối
Ông Lê Thanh Tuấn - chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - cho biết: "Làng nghề làm lọp cua đồng còn khoảng 12 hộ. Những năm trước nước lũ về quá ít, bà con làm lọp tiêu thụ chậm. Năm nay có phần khởi sắc hơn, nước đã tràn khắp các cánh đồng nên bà con cũng tranh thủ thuận theo con nước".
Còn ông Võ Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết thời điểm này mực nước trên đồng nhiều hơn so với năm ngoái, tuy nhiên nguồn thủy sản không nhiều.
"Năm nay xả lũ nhiều tại bốn huyện thị phía bắc tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt tại các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình chỉ chừa lại một phần trồng hoa màu. Dự kiến đỉnh lũ năm sẽ rơi vào giữa tháng 10, nông dân theo con nước đánh bắt thủy sản kiếm thêm thu nhập", ông Hiền nói.
Anh Nguyễn Văn Mộng tranh thủ làm lọp để thay thế những cái đã hư hỏng
TTO - Theo các ngành chức năng, nước lũ năm 2020 về trễ hơn nhiều so với những năm trước. Hiện tại những huyện đầu nguồn biên giới như Tịnh Biên, Tân Châu và An Phú đã có cá linh non đầu mùa nhưng rất nhỏ...
Xem thêm: mth.4302341181902202-ion-coun-aum-gnort-yagn-iom-gnod-auc-nat-aun-hcaoh-uht-pol-gnal/nv.ertiout