Cuối tuần qua, tất cả trường đại học (ĐH) trên cả nước đã hoàn tất công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó, đáng chú ý và cũng là điều đáng mừng khi điểm chuẩn khối ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) có sự khởi sắc rõ rệt, nhiều ngành ở mức thấp vươn lên tốp cao nhất ở các trường.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học tự do tại trường. Ảnh: PHẠM ANH |
Điểm ngữ văn, lịch sử lên ngôi
Theo công bố của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ở phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT, điểm chuẩn các ngành sư phạm từ 22,75 đến 29,75 điểm. Trong đó, ngành sư phạm toán học và sư phạm hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75 ở cả các tổ hợp.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, điểm chuẩn từ 19 đến 27,33 điểm, tăng khoảng 0,2-2 điểm so với năm ngoái.
Còn ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm chuẩn dao động từ 20,03 đến 28,25 điểm, nhiều ngành cao hơn hẳn năm trước. Cụ thể, có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm ngữ văn với 28,25 điểm, cao hơn năm trước 1,25 điểm và vươn lên dẫn đầu thay cho môn sư phạm tiếng Anh năm trước. Hai ngành cao tiếp theo là sư phạm hóa học và sư phạm toán học với lần lượt là 27,35 điểm (tăng 0,35 điểm) và 27 điểm (tăng 0,3 điểm).
Đặc biệt, ngành sư phạm lịch sử tăng cũng khá cao khi lấy 26,83 điểm, tức tăng 0,83 điểm. Sư phạm địa lý cũng tăng từ 25,2 lên 26,5 điểm. Sư phạm vật lý cũng tăng từ 25,8 lên 26,5 điểm.
Điểm chuẩn ngành sư phạm
khó có thể giảm
Dự báo trong vài năm tiếp theo, nếu cách xét tuyển không thay đổi thì điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ khó có thể giảm, chỉ bằng hoặc tăng hơn mức hiện nay. Nếu vẫn còn kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT, trường cũng sẽ cơ bản giữ nguyên các phương thức tuyển sinh để tránh gây xáo trộn cho phụ huynh, thí sinh.
Ông LÊ PHAN QUỐC,
Phó Trưởng Phòng đào tạo
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Còn tại Trường ĐH Sài Gòn, ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, điểm chuẩn từ 19 đến 27,33, tăng khoảng 0,2-2 điểm so với năm ngoái.
Cao nhất là ngành sư phạm toán với 27,33 điểm (khối A00, tăng 0,32 điểm), tiếp đến là sư phạm ngữ văn với 26,81 điểm (tăng 1,31 điểm), sư phạm lịch sử là 26,5 điểm (tăng 2 điểm). Sư phạm lịch sử - địa lý tăng từ 23 lên 24,75 điểm, sư phạm địa lý tăng từ 24,53 lên 25,63 điểm.
Tại khu vực phía Bắc, theo công bố của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn dao động từ 16,75 đến 28,5 điểm. Có đến ba ngành lấy cùng điểm chuẩn cao nhất với 28,5 điểm là giáo dục chính trị (tổ hợp C19 và C20), sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử tại tổ hợp C00. Mức này ở cả ba ngành cao hơn năm ngoái 0,25-1 điểm.
Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, bộ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Với chỉ tiêu này sẽ đáp ứng 2/3 lượng giáo viên đang thiếu hiện nay.
Riêng tại TP.HCM, hiện giáo viên biên chế còn thiếu là 5.939 giáo viên. Trong đó, bậc THCS cần 2.467 giáo viên, bậc tiểu học cần 2.169 giáo viên, bậc mầm non cần 1.006 giáo viên và bậc THPT cần 297 giáo viên.
Điểm tăng vì chỉ tiêu giảm mạnh
Theo nhiều trường, một trong những lý do khiến điểm chuẩn sư phạm tăng cao là vì chỉ tiêu khối ngành sư phạm giảm mạnh, khoảng 20%-30%.
Như tại Trường ĐH Quy Nhơn, theo đại diện nhà trường, ban đầu trường xác định tuyển từ 1.300 chỉ tiêu sư phạm như năm 2021 nhưng sau đó bộ phê duyệt còn 770 chỉ tiêu vì nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương giảm.
Trong 15 ngành, giảm mạnh nhất là sư phạm toán khi giảm 112 chỉ tiêu xuống còn 18, sư phạm vật lý giảm 61 chỉ tiêu xuống còn chín, ngữ văn giảm còn 18 chỉ tiêu, sư phạm hóa học giảm còn tám chỉ tiêu, sư phạm lịch sử giảm 37 chỉ tiêu xuống còn 13…
Điều này khiến điểm chuẩn cũng đã tăng vọt. Những ngành bị giảm mạnh chỉ tiêu như toán, hóa học, ngữ văn, lịch sử, vật lý và địa lý có điểm cao nhất, tới 28,5 điểm. Trong đó, sư phạm lịch sử, địa lý, vật lý tăng mạnh nhất đến 9,5 điểm, các ngành sư phạm còn lại tăng 3-6 điểm.
Hay như với Trường ĐH Sài Gòn có điểm chuẩn tăng cũng vì lý do tương tự. Cụ thể, năm 2022 trường chỉ được tuyển 650 chỉ tiêu, giảm 260 chỉ tiêu so với trước.
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng ngoài chỉ tiêu giảm hơn theo phê duyệt của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn tổng thể năm nay tăng vì phân khúc thí sinh đăng ký ngành học đúng đối tượng khi bộ thực hiện quy trình lọc ảo chung cho tất cả thí sinh. Điều này đã tăng cơ hội cao cho thí sinh được vào những ngành mong muốn, nhất là những em giỏi.
Một lý do khác theo ông Quốc là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng hơn, nhất là nhóm môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý.
“Điều này sẽ tác động lớn đến xã hội vì những em đã trúng tuyển với điểm cao nếu chuyên tâm học tốt thì bốn năm sau xã hội sẽ có những thế hệ sinh viên ra trường tốt, cống hiến tốt cho ngành hơn” - ông Quốc nói.•