Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: THÁI SƠN
Về việc xác nhận nhập học sau trúng tuyển, bộ nên để cho các trường làm như mọi năm, giảm thao tác cho thí sinh và các trường cũng chủ động trong kế hoạch đào tạo của trường. Thí sinh không phải là chuyên gia tuyển sinh, các em chỉ biết học, mấy cái này rất nhiều em không biết và không làm.
Một cán bộ tuyển sinh
Năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai đăng ký xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến hoàn toàn. Nhưng thực tế phần mềm xét tuyển liên tục xảy ra sự cố, nhiều trường hợp sai sót, thậm chí thí sinh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển
Theo các chuyên gia, sở dĩ mùa tuyển sinh năm nay có nhiều hiện tượng bất thường như báo chí liên tục phản ánh vừa qua là do Bộ GD-ĐT thay đổi về kỹ thuật xét tuyển, phần mềm xét tuyển phức tạp nên xảy ra sự cố, nhiều lỗi.
Nhiêu khê, rối rắm
Năm 2022, việc đăng ký nguyện vọng đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong thời gian quy định. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào các trường đại học theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của bộ.
Để đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh được cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống và phải thực hiện đúng quy trình gần chục bước với hàng loạt thao tác: khai báo, kiểm tra thông tin, nhập thông tin xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, lưu thông tin... Sau đó còn phải thanh toán lệ phí, xác nhận nhập học với hàng loạt các bước trên phần mềm.
Phản ánh đến Tuổi Trẻ, nhiều thí sinh cho biết đã quá mệt mỏi khi thực hiện hàng loạt quy định tuyển sinh trực tuyến rối rắm, nhiêu khê của bộ năm nay. Thí sinh N.T.N. (TP.HCM) cho hay: "Từ khi đăng ký tài khoản, đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí trực tuyến... tôi đều gặp trục trặc, phải làm lại nhiều lần rất khổ sở. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn trong trường cũng bị như vậy".
Phức tạp đến từ dữ liệu quá lớn
Chuyên gia dữ liệu của một trường đại học đào tạo công nghệ thông tin có nhiều năm kinh nghiệm nhận định hàng loạt sự cố trong xét tuyển vừa qua do chủ trương gom toàn bộ dữ liệu của tất cả các phương thức xét tuyển vô cùng một "rổ" của Bộ GD-ĐT. Quy định này đòi hỏi thí sinh phải nhập mã lên hệ thống... với quá nhiều mã dẫn đến sai sót.
"Bản chất sự phức tạp đến từ dữ liệu chứ không phải phần mềm. Mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển và có tên gọi khác nhau, khi đưa lên hệ thống của bộ thì quy về vài mã cộng với tên phương thức, dẫn đến thí sinh dễ nhầm lẫn (dù trên trang tuyển sinh của các trường thường có đánh mã tương đương của bộ tương ứng với phương thức mà thí sinh trúng tuyển, nhưng có thí sinh không chú ý hoặc không hiểu). Nhiều trường dùng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi THPT nên tuy gọi là "phương thức xét tuyển sớm", nhưng thực chất là không sớm mà kết quả có cùng thời điểm với xét theo phương thức xét điểm thi THPT. Khi đó thí sinh đăng ký nguyện vọng thì hệ thống cũng chỉ so sánh trùng khớp phương thức - ngành - tổ hợp mà trường khai báo trên hệ thống chứ không có dữ liệu "trúng tuyển có điều kiện". Đây cũng là lý do mà hệ thống không so được với dữ liệu "trúng tuyển sớm" mà trường đã tải lên dẫn đến sai sót (với những trường đã tải dữ liệu trúng tuyển phương thức sớm lên)", chuyên gia này lý giải.
Trong khi chuyên gia phụ trách xử lý kỹ thuật xét tuyển của một trường phía Bắc cho rằng phần mềm của Bộ GD-ĐT có nhiều vấn đề cần phải cập nhật (phần mềm không có hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chính sách) dẫn đến việc thí sinh khai tự do và phần mềm không kiểm tra được khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên sai so với quy chế.
Theo vị này, phần mềm không kiểm tra được các nguyện vọng xét tuyển sớm của thí sinh với dữ liệu xét tuyển sớm của trường khi đổ vào hệ thống của bộ dẫn đến việc nhiều thí sinh chọn sai phương thức, chọn sai ngành, chọn sai tổ hợp khi đăng ký nguyện vọng gây ra nhiều rắc rối và phức tạp cho các trường và hệ thống.
Khắc phục thế nào?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng hiện nay mỗi trường có rất nhiều hình thức xét tuyển khác nhau nên việc đưa tất cả các trường với nhiều phương thức xét tuyển là một việc rất phức tạp vì nó làm rối cho thí sinh khi sắp xếp nguyện vọng và xác suất xảy ra lỗi trong quản lý dữ liệu quá lớn sẽ rất cao.
"Để giải quyết vấn đề này, đơn giản nhất là quay về phần mềm xét tuyển năm 2021 với việc Bộ GD-ĐT chỉ hỗ trợ phần xét tuyển theo điểm thi. Các phương thức xét tuyển khác thì để các trường tự lo như trước đây, chỉ cần quét mã của giấy chứng nhận kết quả thi THPT để giảm ảo là được. Sau đó, hai nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam sẽ lo việc của mình như mấy năm qua. Khi đó việc xét tuyển sẽ đơn giản và không xảy ra những lỗi không đáng có như năm nay. Với dữ liệu về điểm thi THPT theo các tổ hợp cộng với nguyện vọng đăng ký của thí sinh chỉ cần hệ thống chung cả nước chạy trên một phần mềm thống nhất trong một ngày là xong. Sau khi xét tuyển theo nhóm của hai miền và đưa lên hệ thống chung thì điểm chuẩn rất ít thay đổi", ông Dũng nói.
Cán bộ tuyển sinh một trường đại học ở TP.HCM đề xuất: "Để khắc phục tình trạng rối rắm như vừa qua, theo tôi năm sau Bộ GD-ĐT nên chỉnh lại, chỉ cho thí sinh cập nhật thứ tự nguyện vọng đối với các phương thức trúng tuyển sớm, không cho tự chọn phương thức, ngành, tổ hợp trúng tuyển sớm như năm nay. Về thu lệ phí xét tuyển bộ nên tăng thêm kênh thu lệ phí cho các sở hoặc trường cấp THPT, tránh ôm quá nhiều".
Xác nhận nhập học trên hệ thống vẫn còn nhiều lỗi
Từ 18-9 đến 17h ngày 30-9, Bộ GD-ĐT mở hệ thống để các thí sinh đã trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến. Tuy nhiên, khi thí sinh đăng nhập hệ thống tra cứu kết quả xét tuyển của các trường đại học mà mình đăng ký nguyện vọng và xác nhận nhập học thì thấy rất nhiều lỗi, khiến thí sinh hoang mang.
Từ sáng sớm 18-9, hàng chục thí sinh khi đăng nhập hệ thống thấy xuất hiện hàng loạt nguyện vọng trúng tuyển giống nhau nên không biết chọn xác nhận nguyện vọng nào. Ngoài ra, nhiều thí sinh khác phản ánh hệ thống của bộ bị rất nhiều lỗi như khi đăng nhập hệ thống vào mục "Tra cứu kết quả tuyển sinh" thì cứ bị thoát ra, phải đăng nhập lại nhiều lần. Một số trường hợp khác cho biết đã nhận được tin nhắn báo trúng tuyển từ trường đại học nhưng trên hệ thống báo "trượt" hết tất cả nguyện vọng.
Sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh, đến 13h chiều 18-9, nhiều thí sinh cho hay đã xác nhận nhập học thành công trên hệ thống với một nguyện vọng trúng tuyển duy nhất. Tuy nhiên, sau đó, một số thí sinh khác tiếp tục phản ánh hệ thống vẫn còn nhiều lỗi như không thấy chức năng "tra cứu kết quả tuyển sinh", vào website của trường tra cứu đã trúng tuyển và nhận được giấy báo nhập học nhưng trên hệ thống báo rớt và thông tin mã ngành, tên ngành... đều bị trống.
Sai sót do không có giáo viên hướng dẫn
Hệ thống xác nhận nhập học trực tuyến của Bộ GD-ĐT - Ảnh chụp màn hình
Theo một cán bộ tuyển sinh ở TP.HCM, những năm trước đây sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển vẫn trong thời gian còn đang học tại trường THPT, nên hầu hết hồ sơ đã được giáo viên hướng dẫn và quan trọng nhất là rà soát, kiểm tra lại giúp trước khi các em hoàn tất đăng ký. Trong khi năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến hoàn toàn sau khi thi tốt nghiệp THPT, đã rời khỏi trường nên dẫn đến tình trạng sai sót xảy ra.
TTO - Bộ GD-ĐT nhận định năm 2022, nhiều trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý gây khó khăn cho thí sinh. Trong khi các trường cho rằng việc bộ điều chỉnh về kỹ thuật khiến họ bị động...