Các dự án chung cư đang được xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Thị trường bất động sản "chạm đáy" về nguồn cung
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết sơ bộ 9 tháng đầu năm nay có hơn 32.200 sản phẩm mới được chào bán, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ hấp thụ các căn hộ giảm sút, chỉ ở mức gần 48% so với năm 2021. Riêng trong quý 3 năm nay, chỉ có khoảng 9.500 căn hộ được đưa ra thị trường, giảm 23% so với quý 2.
Trong khi đó, báo cáo thị trường căn hộ TP.HCM của DKRA Việt Nam cũng cho thấy trong tháng 8, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc như đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự.
Cụ thể, thị trường TP.HCM có 543 căn hộ mở bán trong tháng 8 trong khi khi sức tiêu thụ đạt 177 căn. Theo DKRA, căn hộ hạng A tiếp tục là phân khúc dẫn dắt thị trường, các phân khúc còn lại hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong tháng và tỉ lệ hấp thụ chung ở các dự án "chạm đáy" thấp nhất trong hơn 3 năm trở lại đây, dao động phổ biến chỉ từ 16 - 26% giỏ hàng mở bán trong tháng.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định thị trường giảm sút cả về cung và lượng giao dịch trong khi lượng cung mới đưa vào thị trường cũng như số lượng dự án được mới được đầu tư, xây dựng ngày một hạn chế, chưa có dấu hiệu cải thiện.
Khởi công tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai
Tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường bộ rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai - Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Sáng nay 19-9, tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài khoảng 147km sẽ được khởi công xây dựng. Đây được coi là tuyến đường bộ rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của các tỉnh Lai Châu, Lào Cai.
Cụ thể, theo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), gói thầu XL01 đoạn từ nút giao IC16 - tỉnh Lai Châu đến Khánh Yên, tỉnh Lào Cai (km00+000 - km18+500) sẽ chính thức được triển khai xây dựng sáng nay.
Theo thiết kế, tuyến kết nối thuộc gói thầu XL01 được đầu tư với quy mô cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h. Quy mô mặt cắt ngang được thiết kế với bề rộng mặt đường 6m, bề rộng nền đường 9m. Tại một số đoạn, bề rộng mặt đường là 9m (có làn phụ leo dốc); bề rộng nền 10m.
Theo phương án được duyệt, gói thầu XL01 có tổng giá trị hợp đồng hơn 474 tỉ đồng, được thi công trong 30 tháng.
Lắp thêm làn ETC trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Xe chờ qua làn ETC tại trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh chụp ngày 1-8-2022) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để giảm ùn tắc cho tuyến cao tốc quan trọng này; Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ, phối hợp trong quá trình VEC và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC tổ chức thực hiện.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau thời gian vận hành chỉ có thu phí tự động không dừng, tại khu vực các trạm thu phí Long Phước, trạm ra QL51 theo hướng từ TP.HCM đi QL51 và trạm vào cao tốc từ hướng QL51 về TP.HCM, lưu lượng phương tiện qua trạm lớn dẫn đến thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Nguyên nhân phần lớn là do trạm thu phí Long Phước mới lắp đặt 9 làn ETC trên tổng số 14 làn thu phí tại trạm. Trạm ra QL51 theo hướng từ TP.HCM đi QL51 mới lắp đặt 2 làn ETC trên tổng số 4 làn thu phí tại trạm. Trạm vào cao tốc từ hướng QL51 về TP.HCM được lắp đặt 4 làn ETC trên tổng số 7 làn thu phí tại trạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC rà soát phương án tổ chức giao thông. Bên cạnh đó nghiên cứu, tính toán việc đầu tư lắp đặt bổ sung làn thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí nêu trên để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc khu vực trạm thu phí.
Chính phủ sẽ ban hành quy định mới về tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Tập đoàn APEC từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vào tháng 12-2021 vì phát hành trái phiếu “chui”, bị buộc hoàn tiền cho nhà đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh những năm qua tăng lên nhanh chóng, năm 2017 là 180.121 tỉ đồng, năm 2018 là 240.079 tỉ đồng, năm 2019 là 284.536 tỉ đồng, năm 2020 là 333.087 tỉ đồng và năm 2021 tăng lên 443.085 tỉ đồng.
Với trái phiếu xanh, theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, năm 2020 các doanh nghiệp năng lượng đã phát hành 35.700 tỉ đồng trái phiếu xanh cho các dự án năng lượng tái tạo, tăng 274% so với năm 2019, riêng cho điện mặt trời tăng 2,75 lần, điện gió tăng 3,5 lần và tăng mạnh trong các năm 2021 và 2022.
Để định hình thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng ban hành quyết định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Trong dự thảo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định hai phương án để lập danh mục công trình xanh để hưởng ưu đãi vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh: phương án 1 việc xác nhận thực hiện thông qua tổ chức đánh giá độc lập; phương án 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét xác nhận các dự án, hạng mục thuộc danh mục phân loại xanh để hưởng các ưu đãi liên quan.
Đề nghị chuyển thêm nhiều doanh nghiệp về SCIC
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chi nhánh phía Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Văn phòng Chính phủ vừa gửi tới 5 bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Y tế về các kiến nghị của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo đó, doanh nghiệp này đề nghị các bộ chuyển giao các doanh nghiệp như VEAM, Habeco, Viglacera, Tổng công ty Dược Việt Nam… về SCIC; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Thép Việt Nam, Licogi, Tổng công ty Sông Đà.
SCIC cho biết trong giai đoạn 2016-2020, vốn chủ sở hữu đã tăng từ khoảng 38.000 tỉ đồng lên khoảng 59.200 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 52.600 tỉ đồng.
Cùng kỳ, SCIC tiếp nhận 86 doanh nghiệp nhà nước, với tổng giá trị khoảng 21.721 tỉ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam… Trong những năm qua, doanh nghiệp này cũng bán vốn tại 200 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, SCIC cũng kiến nghị quy định về nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, đặc biệt là các khoản đầu tư theo chỉ định mà SCIC đã đầu tư vào Vietnam Airlines; quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư của hội đồng thành viên SCIC.
TP.HCM họp về các hạng mục giao thông rạch Xuyên Tâm
Rạch Xuyên Tâm được xem là một trong những con rạch ô nhiễm nhất TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
Dự kiến tuần này Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp về các nội dung liên quan hạng mục giao thông của dự án rạch Xuyên Tâm.
Trước đó, vào tháng 7, UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện cải tạo rạch này và giao Sở Xây dựng TP làm việc với các đơn vị liên quan để sớm triển khai dự án.
Theo kế hoạch, con rạch này được cải tạo kè bảo vệ bờ, xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 - 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bê tông. Đồng thời xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TP và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703ha.
Tổng mức đầu tư dự án là 9.353 tỉ đồng, trong đó phần bồi thường quận Bình Thạnh là 4.859 tỉ đồng và phần bồi thường quận Gò Vấp là 468,9 tỉ đồng, vốn xây lắp 4.492 tỉ đồng.
TTO - Chính phủ yêu cầu cắt giảm tiếp thủ tục và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; Trong tháng 10 thí điểm nộp lệ phí tòa án online trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Sửa quy định phát hành trái phiếu, tăng cường tính minh bạch... là tin đáng chú ý.