vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện vui của cư dân khu Thanh Đa sau 10 năm giải tỏa

2022-09-19 10:13

Cũng là tái định cư (TĐC) nhưng câu chuyện của những cư dân chung cư cũ ở Thanh Đa, quận Bình Thạnh sau gần 10 năm về tạo lập cuộc sống mới lại hoàn toàn khác.

Tái định cư không chỉ là chỗ ở

Trong căn hộ B9.06, chung cư TĐC số 4 Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh, bà Hồ Đắc Thị Lan Chi (58 tuổi) đang chuẩn bị bữa tối. Thấy chúng tôi ghé thăm, bà Chi vừa chiên trứng vừa vui vẻ trò chuyện. “Tôi về đây cũng đã tám năm rồi, mọi thứ ở đây đều rất tốt, con cái học hành thành đạt, đi làm hết cả rồi” - bà Chi hồ hởi.

Chung cư số 4 Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh có vị trí gần trung tâm, có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt hơn tại lô IV - lô VI. Chung cư này có hai block, cao 20 tầng với 1.050 căn hộ TĐC (từ tầng hai đến tầng 20). Tầng một bố trí các dịch vụ phục vụ cho người dân cư trú trong tòa nhà và một tầng hầm để giữ xe máy và ô tô.

Ông TRẦN MINH THƠ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, TĐC thuộc Sở TN&MT

Bà Chi kể: Năm 1975, cha mẹ bà dọn về ở tại lô IV-lô VI chung cư Thanh Đa. Đầu những năm 2010, chung cư này bị nghiêng do sụt lún rất nghiêm trọng, có khả năng sụp đổ và người dân sống trong chung cư rất bất an.

“Khi đó, chúng tôi càng hoang mang hơn khi biết tin Nhà nước sẽ di dời toàn bộ hơn 300 hộ dân sống trong chung cư đến nơi khác sinh sống. Bởi mọi người đã quen với nếp sống, sinh hoạt cũng như tình làng nghĩa xóm nơi đây. Không biết đi nơi khác con cái học hành thế nào, nơi ở mới ra sao và rất nhiều nỗi lo khác” - bà Chi kể.

Năm 2014, gia đình bà dọn về chung cư mới. Căn hộ cũ của bà có diện tích khoảng 84 m2, bà được đổi hai căn TĐC tại chung cư mới, mỗi căn có diện tích khoảng 60 m2. Theo đó, bà sẽ được mua lại theo giá nhà bán căn hộ thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) đối với phần diện tích bằng diện tích căn hộ cũ (84 m2). Phần diện tích dư ra (40 m2) bà sẽ mua theo giá thị trường.

Chính sách bồi thường nêu trên khiến gia đình bà yên tâm phần nào. Thêm vào đó, nơi ở mới chỉ cách nhà cũ hơn 3 km, hai con của bà vẫn học ở trường cũ. Hằng ngày, bà vẫn đưa đón con về nơi ở cũ để đi học mà không phải đi xa. “Gần như nơi ở mới không có gì làm xáo trộn cuộc sống của gia đình cũng như chuyện học hành của con cái” - bà Chi nói.

Trước kia bà buôn bán hàng tạp hóa thì hai năm đầu về chung cư mới, bà vẫn tiếp tục bán tạp hóa phía dưới chung cư để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, sau này khi đường Phan Chu Trinh mở rộng, hàng quán, siêu thị mọc lên nhiều, con cái cũng đã lớn nên bà nghỉ bán.

Chuyện vui của cư dân khu Thanh Đa sau 10 năm giải tỏa ảnh 1

Người dân ở chung cư tái định cư số 4, đường Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh hài lòng với nơi ở mới. Ảnh: VIỆT HOA

Ông Trần Xuân Ngọc Toại, căn hộ B10.24, cũng rất hài lòng với cuộc sống sau tám năm rời nơi ở cũ. “Nhà cửa khang trang, cao ráo, sạch sẽ, môi trường rất tốt, lại gần trung tâm nên rất thuận lợi cho người dân” - ông Toại nói.

Khi mới nghe tin phải di dời, ông Toại cũng cùng nỗi lo chung như các hộ dân khác, nhất là không biết căn hộ hơn

84 m2 của ông có bị mất hay không, bởi về mặt pháp lý thì dù ông mua lại của chủ cũ nhưng vẫn là nhà thuê của Nhà nước. Cùng với đó, việc phải bắt đầu lại từ đầu tại nơi ở mới khiến ông rất lo lắng.

Tuy nhiên, cũng như bà Chi, ông được bố trí hai căn TĐC tại chung cư mới, một căn tại tầng hai và một căn tầng 10. Hai căn hộ này đều đã được quận Bình Thạnh đồng ý bán theo phương thức như trường hợp của bà Chi nên ông Toại rất yên tâm. “Về đây mọi thứ đều ổn, ban quản lý cũng rất tốt. Họ luôn tạo điều kiện để cư dân buôn bán dưới chung cư, duy trì thu nhập thay vì cho cư dân ngoài vào bán. Bà con ai cũng quý mến” - ông Toại chia sẻ.

Bồi thường hợp lý, nơi ở mới tốt hơn nơi cũ

Tại thời điểm đó, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, TĐC thuộc Sở TN&MT, đang là trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, là người tham gia trực tiếp trong việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho cư dân lô IV - lô VI, chung cư Thanh Đa.

Nhớ lại thời gian tám năm trước, ông Thơ cho biết việc di dời 300 hộ dân tại lô IV - lô VI diễn ra nhanh chóng vì chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC không chỉ phù hợp với quy định pháp luật mà còn sát với tình trạng thực tế. “Quan trọng nhất là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân nên được đại đa số người dân đồng thuận” - ông Thơ nói.

Cụ thể, việc bố trí TĐC được thực hiện theo nguyên tắc diện tích căn hộ được bố trí tối thiểu phải tương đương với diện tích sử dụng hợp pháp tại căn hộ cũ. Tại lô IV - lô VI vừa có căn hộ thuộc sở hữu tư nhân và SHNN. Với trường hợp sở hữu tư nhân mà được bố trí căn hộ mới lớn hơn thì người dân sẽ thanh toán phần diện tích chênh lệch cho Nhà nước theo giá thị trường. Nếu căn hộ mới nhỏ hơn căn hộ cũ thì Nhà nước sẽ bồi thường cho người dân phần diện tích chênh lệch này theo giá thị trường.

Đối với nhà thuộc SHNN, người dân tiếp tục được thuê nhà đối với căn hộ mới. Mức thuê tính bằng đơn giá căn hộ cũ nhân với diện tích căn hộ mới. Nếu người dân có nhu cầu mua thì phần diện tích cũ sẽ mua theo giá Nhà nước quy định tại Nghị định 99/2015. Phần diện tích chênh lệch sẽ bán theo giá thị trường. Ngoài ra, với căn hộ tầng trệt khi di dời sẽ được bố trí từ tầng hai trở lên với tỉ lệ hoán đổi khi bố trí TĐC là 1: 1,1.•

Bán đấu giá hàng ngàn căn tái định cư bị… “ế”

Hiện Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng TP.HCM đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư (TĐC) bỏ trống. Trong đó, gần 4.800 căn đang được quản lý để chờ bán đấu giá, hơn 2.000 căn đang chờ bố trí TĐC cho các dự án trong tương lai.

Trong số gần 9.500 căn hộ TĐC bỏ trống kéo dài nhiều năm, có 5.300 căn thuộc các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm ở các lô từ R1 đến R7 trong khu TĐC 38,4 ha Bình Khánh, gần 1.000 căn hộ tại chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), 470 căn hộ TĐC tại quận Bình Thạnh... UBND TP.HCM đã có chủ trương bán đấu giá 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm và gần 1.000 căn tại chung cư Vĩnh Lộc B.

Riêng 3.970 căn hộ TĐC tại Thủ Thiêm, TP.HCM đã nhiều lần đưa ra đấu giá nhưng bất thành.

Cụ thể, năm 2017, TP bán đấu giá 3.790 căn với mức giá khởi điểm 8.800 tỉ đồng. Năm 2018, đấu giá lần thứ hai với mức giá khởi điểm 9.100 tỉ đồng và lần thứ ba vào năm 2019 với giá khởi điểm 9.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, cả ba lần đều không thành công.

Trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời do HĐND TP tổ chức mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thừa nhận có tình trạng nhà TĐC để trống trong thời gian dài đã hư hỏng, xuống cấp.

Lý giải về việc thừa căn hộ TĐC, ông Khiết cho rằng giá bồi thường theo các quy định hiện hành đã tiếp cận sát với giá thị trường nên phần lớn các đối tượng đủ điều kiện bồi thường sẽ tự nhận tiền tạo lập nơi ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của họ. Vì vậy, người dân ít lựa chọn phương thức nhận nhà ở TĐC tại nguồn nhà do Nhà nước chuẩn bị sẵn theo quy định của Luật Đất đai nếu phải mua theo giá thị trường. Điều này dẫn đến quỹ nhà để lâu không bố trí sử dụng, lãng phí và tốn chi phí quản lý vận hành.

Theo ông Khiết, hiện nay toàn TP có 105 dự án có quỹ nhà TĐC. Trong đó, có những dự án toàn bộ phục vụ TĐC, có những dự án chỉ một số căn hộ/nền đất dành cho TĐC. Có một số dự án khi thu hồi đất, người dân mong muốn được TĐC gần khu vực dự án nhưng địa phương không có quỹ nhà/nền đất để bố trí.

Về các quỹ nhà đất TĐC để trống chưa bố trí, ông Khiết cho biết hiện nay TP đã có chủ trương bán đấu giá để thu hồi vốn, tránh gây lãng phí ngân sách.

VIỆT HOA

Xem thêm: lmth.331996tsop-aot-iaig-man-01-uas-ad-hnaht-uhk-nad-uc-auc-iuv-neyuhc/nv.olp

“Chuyện vui của cư dân khu Thanh Đa sau 10 năm giải tỏa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools