Trong mấy thập niên qua, diện mạo TP.HCM đã thay da đổi thịt. Hàng ngàn căn nhà lụp xụp được di dời, những “xóm nước đen” dần được xóa sổ và thay vào đó là những cây cầu, những con đường, những khu đô thị sạch đẹp, văn minh.
Tuy nhiên, bên cạnh cuộc sống của hàng vạn con người sau khi di dời, tái định cư (TĐC) có cuộc sống ổn định thì vẫn còn đó nhiều hộ dân có những nỗi buồn không biết tỏ cùng ai.
Về nơi ở mới 11 năm vẫn thất nghiệp
11 năm trước, gia đình ông Lữ Quốc Hưng bàn giao mặt bằng để quận 11 đầu tư xây dựng bến xe buýt và được bố trí TĐC tại căn hộ C1.03, lô C6, chung cư TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Ở nơi cũ, ông Hưng làm nghề buôn bán tự do, vợ làm công nhân cũng có đồng ra, đồng vào. Khi về TĐC tại chung cư Vĩnh Lộc B, ban đầu vợ chồng ông cũng xoay đủ kiểu để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa chăm các con nhỏ nhưng khu vực này quá ít dân nên không làm ăn được.
Ông Hưng cho biết hai vợ chồng ông về nơi ở mới cũng đã 11 năm nhưng hiện nay vẫn thất nghiệp, chỉ sống nhờ vào tiền lãi ngân hàng từ tiền bồi thường căn nhà cũ. “Tôi về đây từ khi con tôi mới học lớp 1, nay con tôi học lớp 12 rồi nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc gì làm do ở đây quá vắng vẻ, không có mấy người ở” - ông Hưng nói.
Ông Hưng ngậm ngùi: Nhà thì ở sao cũng được nhưng ngày nào cũng phải ăn, không có việc làm khiến gia đình tôi rất khó khăn và chật vật. Nhưng dù sao tôi cũng còn may mắn hơn nhiều hộ TĐC tại đây vì còn chút ít tiền bồi thường gửi ngân hàng để sống qua ngày. “Nhiều bà con đến đây đã không trụ nổi phải bán hoặc cho thuê nhà đi nơi khác kiếm sống. Thậm chí, nhiều hộ đã phải quay về nơi ở cũ là quận 1, quận 5 cách hàng chục cây số để mưu sinh” - ông nói.
5 giờ chiều, hai vợ chồng ông Phạm Hữu Ân, lô C2, căn hộ 5.02 đã dọn chiếc xe đẩy bán bánh tráng trộn và nước ngọt vì không còn người qua lại. Ngồi bần thần dưới bậc thềm chung cư, ông Ân chia sẻ: Gia đình ông nằm trong diện di dời, giải tỏa dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên tại quận Bình Tân năm 2011.
Gia đình ông được quận Bình Tân bồi thường 135 triệu đồng và bố trí TĐC tại chung cư Vĩnh Lộc B bằng hình thức trả góp, căn hộ có giá hơn 400 triệu đồng. “Chúng tôi nhận nhà năm 2011 nhưng lên đây không có việc làm nên đã phải đóng cửa và đi xuống Bình Phước nuôi gà thuê. Khi làm ăn không được nữa, đến năm 2016 mới quay về sinh sống” - ông Ân nói.
Trong mấy thập niên qua, diện mạo TP.HCM đã thay da đổi thịt, hàng ngàn căn nhà lụp xụp được di dời, thay vào đó là những khu tái định cư sạch đẹp, văn minh. Ảnh: VIỆT HOA |
Ban đầu về nơi ở mới, vợ chồng ông cũng kiếm đủ nghề nhưng không đủ sống, nay cả nhà chỉ trông vào chiếc xe đẩy bán bánh tráng trộn và nước ngọt cho học sinh trước cổng trường ngay trong khuôn viên chung cư. “Cả nhà bám vào trường học, trường nghỉ hè là cả nhà chúng tôi đói luôn” - ông Ân nói.
Bà Hoàng Thị Hải, vợ ông Ân, rơm rớm nước mắt kể thêm: Cả hai vợ chồng bà đều ốm đau, bệnh tật. Một người con đã lập gia đình, còn một con gái đang học lớp 11. “Cả nhà trông vào xe bánh tráng trộn, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, phải dè sẻn lắm nếu không là thiếu trước hụt sau. Con cái đi học không có tiền đóng. Bản thân tôi là lao động chính nhưng cũng đang bị suy thận giai đoạn 3. Gia đình chúng tôi thật sự vô cùng khó khăn, rất cần hỗ trợ nhưng không biết kêu ai…” - bà Hải rầu rĩ.
Bà Hải cho biết căn nhà của vợ chồng bà phải trả góp mỗi năm 7 triệu đồng, trong vòng chín năm. Bà Hải đã trả được sáu năm, do quá khó khăn nên bà không còn khả năng đóng tiếp.
Nhiều người phải bỏ khu tái định cư đi chỗ khác
Chung cư Tân Mỹ nằm ngay trung tâm quận 7 dùng để bố trí TĐC cho người dân bị giải tỏa của dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây, quận 8 vào thời điểm năm 2009. Chung cư này được xây dựng khang trang, sạch đẹp, khác hẳn với cuộc sống trong những căn nhà ổ chuột ven kênh rạch. Tuy nhiên, vì không có công ăn việc làm, người dân lại không quen với cuộc sống chung cư nên rất ít người trụ lại.
Bà Nguyễn Thị Đằng, căn hộ A427, cho hay: Khi được TĐC về chung cư Tân Mỹ, gia đình bà vui mừng khôn xiết vì đã thoát khỏi căn nhà tồi tàn chưa đầy 8 m2. Căn hộ mới rộng 36 m2, thoáng mát, sạch sẽ, cả cuộc đời làm thuê, làm mướn của bà có nằm mơ cũng không thấy. Khi về nhận căn hộ mới, bà còn nợ 123 triệu đồng do không đủ tiền trả hết một lần. Tuy nhiên, sáu năm trôi qua, bà Đằng mới chỉ trả được khoảng 10 triệu đồng. “Gạo không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, không có công ăn việc làm nên không lấy đâu ra tiền để trả tiền nhà hằng tháng. Rồi bao nhiêu khoản chi phí khi ở nhà chung cư bủa vây…” - bà Đằng nói.
Bám trụ được năm năm, đến giữa năm 2015, bà Đằng quyết định bán căn hộ với giá 580 triệu đồng. Trả hết nợ tiền nhà, cả gia đình dạt về huyện Bình Chánh mua một căn nhà không giấy tờ với giá 170 triệu đồng để sinh sống. Căn nhà mới của bà Đằng nằm trong một con hẻm sâu hun hút trên quốc lộ 50, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chỉ rộng khoảng 20 m2 nhưng chứa tới 10 nhân khẩu gồm bà Đằng cùng các con, cháu, dâu, rể.
Hỏi về công ăn việc làm của các con, gặng mãi bà Đằng mới chịu tiết lộ vì tất cả đều thất nghiệp, hằng ngày chỉ biết chạy xe đến chợ đầu mối Bình Điền nhặt nhạnh kiếm sống. “Số tiền bán nhà còn dư được hơn trăm triệu cũng cạn dần, giờ tôi chỉ còn đúng hai bàn tay trắng” - bà Đằng cho biết.
Bà Đằng không phải là trường hợp cá biệt mà trong số 352 hộ TĐC tại chung cư Tân Mỹ, gần như phần đông đã bán nhà tìm về chỗ cũ hoặc dạt xuống Nhà Bè, Bình Chánh, Long An, Cần Giờ sinh sống.•
Hơn 8.000 căn hộ và nền đất TĐC trong năm năm
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2016-2021, TP.HCM đã đầu tư và mua lại 8.036 căn hộ và nền đất tại 20 dự án từ các chương trình phát triển nhà ở TĐC.Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay nhà ở TĐC được đầu tư bằng ba nguồn: Từ vốn ngân sách, mua lại nhà thương mại và sử dụng quỹ nhà ở xã hội. Tùy theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân, TP Thủ Đức, các quận/huyện và chủ đầu tư phải điều tra xã hội học để xác định chính xác nhu cầu của người dân.
“Nhà TĐC không chỉ từ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước mà các địa phương căn cứ vào phương án bồi thường được duyệt để sắp xếp mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC gần khu vực người dân sinh sống” - ông Khiết nói.
Ông Khiết cũng nhấn mạnh: “Việc điều tra, khảo sát ban đầu là rất quan trọng để bố trí TĐC phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Thứ hai là phải xét về mặt thu nhập của người dân để bố trí TĐC bằng nhà ở xã hội. Hiện nay, nhà ở xã hội có hai phương thức là thuê và thuê mua. Nếu người dân không đủ tiền mua trả góp thì có thể thuê nhà ở xã hội”.