Thu hút khách du lịch
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương nhận xét, bên cạnh các vấn đề toàn cầu như lạm phát, sự sụt giảm của du khách Trung Quốc, căng thẳng chính trị tại một số quốc gia... một trong những thách thức lớn mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt là sự dư thừa nguồn cung.
Theo chuyên gia này, hiện nay, các dự án trên thị trường chủ yếu chú trọng về quy mô và sản phẩm bán. Nhiều điểm du lịch có mật độ xây dựng dày đặc, còn thực tế lại đang đòi hỏi mỗi dự án cần xây dựng được bản sắc riêng của mình. Đồng thời, các loại hình sản phẩm lưu trú cần được làm đa dạng, kèm theo chất lượng quản lý vận hành cũng cần được nâng cao.
Chia sẻ giải pháp để du lịch Việt Nam thu hút khách, các chuyên gia cho rằng cần tạo điểm nhấn vào trải nghiệm dịch vụ. Có hai yếu tố chính cần được ưu tiên là trải nghiệm văn hóa và trải nghiệm sự bình yên thư thái - được gọi là lối sống "wellness". Đây là những yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch địa phương trong dài hạn tại Việt Nam.
Tuy trải nghiệm khách hàng là điểm then chốt trong ngành du lịch nghỉ dưỡng nhưng việc thiết kế và khai thác yếu tố này còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Nguyên nhân có thể đến từ việc áp dụng quan điểm về bất động sản nhà ở lên phân khúc nghỉ dưỡng.
Tại một dự án bất động sản nhà ở như chung cư hay nhà phố, quá trình sinh hoạt hàng ngày của cư dân sẽ là yếu tố được chủ đầu tư chú trọng. Trải nghiệm ấy được mang đến bởi hệ thống tiện ích phục vụ các nhu cầu thường nhật, cùng dịch vụ quản lý vận hành ổn định và chuyên nghiệp.
Trong khi đó, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thứ hai ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của con người. Không gian của dự án này cần được thiết kế đặc biệt để mang đến cảm giác thư thái cho du khách.
Do đó, hướng tiếp cận sai có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, điển hình là sự xuất hiện của những dự án có tổng thể kém hiệu quả: thiếu điểm nhấn, thiếu tiện ích chất lượng và không tạo được không gian thư giãn cho khách hàng. Những dự án như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút du khách, dẫn tới nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu của khách hàng lại không được đáp ứng.
Nhằm giải quyết vấn đề này, một số chủ đầu tư tìm đến các thương hiệu để hợp tác trong khâu thiết kế và vận hành. Tuy nhiên, theo ông Mauro, để đảm bảo thành công của dự án về lâu dài, thương hiệu có danh tiếng là chưa đủ. Chủ đầu tư cần triển khai dự án một cách cẩn trọng từ khâu hoạch định đến khi dự án đi vào vận hành.
Ông Mauro cho rằng điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách tiếp cận từ "khai thác tối đa không gian" của bất động sản chung cư sang "chú trọng trải nghiệm khách hàng" của ngành nghỉ dưỡng. Nếu các dự án có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng thì sẽ dễ dàng thúc đẩy nguồn cầu và thậm chí có thể tạo ra nguồn khách hàng trung thành.
Với các du khách yêu thích trải nghiệm tại điểm đến, họ sẽ quay lại thường xuyên và thậm chí mua bất động sản tại đó. Điều này là cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để không ngừng đem đến giá trị cho khách hàng, chuyên gia Savills chia sẻ thêm.
Bất động sản nghỉ dưỡng là một phân khúc đặc biệt, cho phép các chủ đầu tư hiện thực hóa nhiều ý tưởng sáng tạo để tạo nên các sản phẩm khác biệt trên thị trường. Các sản phẩm này có thể tận dụng những tài nguyên du lịch sẵn có của Việt Nam như các bãi biển đẹp, cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, hay bản sắc văn hóa địa phương. Những tài nguyên này chỉ mới được khai phá trong những năm gần đây khi ngành du lịch bắt đầu bùng nổ. Bởi vậy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để du lịch Việt Nam vươn xa hơn trong bản đồ thế giới.
Bất động sản nghỉ dưỡng lên ngôi
Trong giỏ hàng bất động sản hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng đang nổi lên như một lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, sự bùng nổ của du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sôi động trở lại với hàng loạt dự án mới được công bố, động thổ, thi công; hoạt động bán hàng diễn ra sôi nổi, thanh khoản đột biến so với các năm liền kề trước đó và giá cả tăng cao.
Làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện nhiều nơi, bên cạnh các thị trường truyền thống như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những vùng đất mới, giàu tiềm năng tiêu biểu là Phan Thiết (Bình Thuận).
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, Phan Thiết đã trở thành ngôi sao mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhờ sự tăng trưởng vượt bậc về hạ tầng. Cụ thể, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang được thi công gấp rút, cam kết đưa vào vận hành cuối năm nay, khi hoàn thiện sẽ rút ngắn hành trình Tp.HCM - Phan Thiết từ 4 -5 giờ xuống chỉ còn 2 giờ chạy ô tô. Bên cạnh đó, sân bay Phan Thiết cũng đang cấp tập xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.
Cộng thêm sân bay quốc tế Long Thành dự kiến khai trương giai đoạn 1 vào năm 2025, Phan Thiết sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận được hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, mang lại lợi thế rất lớn cho ngành du lịch địa phương và giúp thị trường bất động sản du lịch tại đây cất cánh.
Thị trường địa ốc Phan Thiết đã và đang chào đón những nhà đầu tư sành sỏi trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam cập bến, cho ra đời những siêu dự án, những quần thể nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế .
Kiến tạo một phong cách sống đỉnh cao và tiềm năng sinh lợi vượt trội, chính là một ưu điểm của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ rất tích cực
Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội mới cho bất động sản nghỉ dưỡng” do Báo Tiền phong tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với năm 2021. Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.
Về mặt bằng giá, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức từ 9 - 40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhà phố và shophouse với 30 - 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11 - 28%; condotel là 9 - 15%.
Cơ hội của thị trường có nhiều dấu hiệu tốt khi sự phục hồi kinh tế trong đó GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6.42%; FTA là cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất nhập khẩu; Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau đại dịch trong đó có 1/3 gói tương đương 114.000 tỷ đồng chi cho phát triển cơ sở hạ tầng.
“Về hạ tầng giao thông, Việt Nam đang được coi là đại công trường với nhiều dự án sắp hình thành. Ở Tp.Hồ Chí Minh và phụ cận có nhiều dự án sắp hình thành như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành. Ở Hà Nội và phụ cận có Metro số 3 (Hà Nội – Hoàng Mai), Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4”, ông Thắng chia sẻ.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, với mục tiêu tạo thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững. Theo đó, vấn đề bao trùm của Nghị quyết 18 là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 để đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, tạo tiền đề định hướng sự phát triển của thị trường bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, có ba luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Mặt khác, cũng cần sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu, Bộ luật Dân sự… Tính chính danh của bất động sản du lịch được quy định trong các văn bản là đã có nhưng cần phải hoàn thiện.
Chủ tịch HoREA cho biết, khoảng 80 - 90% thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo, do đó các tỉnh, thành ven biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có lợi thế lớn để phát triển loại hình này.
“Bất động sản du lịch có tiềm năng cực kỳ lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản du lịch”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, thị trường bất động sản du lịch hiện nay đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư đã có tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường bất động sản du lịch bởi bất động sản du lịch là “con gà đẻ trứng vàng” khi chúng ta thu hút đông đảo khách du lịch trở lại.
"Chúng tôi rất kỳ vọng bất động sản và ngành Du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Hương Anh (tổng hợp)