Kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ hàng đầu
Về điều hành CSTT nói chung, theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới đang có những biến động rất phức tạp, khó lường và đầy rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất hiện nay tại nhiều quốc gia là tình trạng giá cả, lạm phát leo thang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống người dân. Nhiều ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đã chần chừ do đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiên lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương đã tăng nhanh lãi suất, dẫn đến nguy cơ suy thoái. Trước bối cảnh đó, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất.
Hiện nay, lạm phát trong nước hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực trong năm 2023 là khá lớn và không thể chủ quan với rủi ro này. Dưới góc độ của cơ quan quản lý vĩ mô, NHNN cần tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành CSTT, trong đó có điều hành tín dụng.
Về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc cho rằng, áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế hiện rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng. Năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Trên thực tế, chỉ tiêu này cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả 2 năm 2020-2021 (lần lượt là 12,17% và 13,61%). Và kết quả tín dụng trong hơn 8 tháng đầu năm 2022 tăng nhanh so với cùng kỳ nhiều năm trước phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế và tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng mọi nhu cầu vốn của nền kinh tế. Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này. Trong bối cảnh nhiều thách thức, NHNN phải điều hành đồng bộ, linh hoạt, hài hòa tất cả các công cụ, giải pháp để đảm bảo thực hiện được mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, các công cụ, giải pháp điều hành đều có tính chất ngắn hạn nên không thể thay thế cho các nguồn vốn và giải pháp, chính sách có tính dài hạn.
Từ tình hình nêu trên, NHNN tiếp tục điều hành CSTT nói chung và chính sách tín dụng nói riêng đảm bảo không chủ quan với lạm phát và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng - là các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NHNN.
Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất
Thảo luận về nội dung phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và CSTT, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2%, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN xác định một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2022 là Chương trình HTLS cho doanh nghiệp và cho những người vay vốn tại NHTM qua gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng. Do đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của của ngành Ngân hàng trong năm 2022 nên phía NHNN cũng đã triển khai nhanh chóng một loạt các biện pháp.
Thứ nhất về hành lang pháp lý, NHNN đã phối hợp với các bộ và trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 và cùng ngày, NHNN đã ban hành ngay Thông tư 03 để hướng dẫn các NHTM triển khai đến các đối tượng vay vốn. Tiếp đó, NHNN cũng đã thu thập thông tin đăng ký từ các NHTM để tiến hành đề xuất cùng với các bộ để phân bổ ngân sách 40 nghìn tỷ đồng trong 2 năm. Theo đó, năm 2022 dự kiến sẽ phân bổ khoảng 16.000 tỷ đồng, sang năm 2023 dự kiến sẽ phân bổ 24.000 tỷ đồng còn lại.
Sau khi đã phân bổ ngân sách, NHNN cũng đã tiến hành triển khai, hướng dẫn các NHTM và đã ban hành bộ tài liệu giải đáp trên 20 vấn đề cho các NHTM trong quá trình triển khai như: về đối tượng, về phương thức, về cách đăng ký, về cách lập dự toán cũng như rút vốn hỗ trợ và quyết toán.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực cao để triển khai nhanh các gói hỗ trợ này đến người vay vốn. Công tác truyền thông cũng rất được chú trọng, NHNN đã đề xuất để lãnh đạo Chính phủ chủ trì, lãnh đạo NHNN cũng đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị đến các NHTM để thông tin chính sách đến các đối tượng thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, doanh số cho vay được HTLS đạt gần 4.407 tỷ đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được HTLS đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Các NHTM dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ. Theo rà soát nhanh của các NHTM, dư nợ của nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các ngành được HTLS (chỉ bao gồm các trường hợp ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân sau 01/01/2022) khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Hiện nay các ngân hàng vẫn đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất trên cơ sở đề nghị của khách hàng.
Cũng theo Phó Thống đốc, việc gói triển khai gói hỗ trợ hiện chưa được như kỳ vọng do còn có khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết trong thời gian tới. NHNN đã xác định là có 4 nhóm khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Thứ nhất về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, đa lĩnh vực mà một trong những lĩnh vực đó thuộc ưu tiên thì có được hỗ trợ hay không. Hai là có nhiều hộ gia đình là khách hàng vay vốn của NHTM nhưng lại không đăng ký kinh doanh, khi đối chiếu thì chưa đủ điều kiện đối tượng của chương trình.
Thứ hai là tiêu chí đánh giá là khách hàng phải có khả năng, có phương án sản xuất kinh doanh, có khả năng phục hồi. NHNN thấy có sự khác biệt giữa sự đánh giá, thẩm định của NHTM, ngân hàng cho vay với đánh giá về sau này của các cơ quan kiểm tra, thanh tra hay kiểm toán về thế nào là khách hàng có khả năng phục hồi. Ngoài ra, khi đánh giá tính khả thi của dự án là tính thời điểm thẩm định dự án và quyết định giải ngân. Nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có rất nhiều biến cố dẫn đến phương án ban đầu khả thi, khách hàng có khả năng trả được nợ, nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến khó khăn trong trả nợ. Vậy lúc đó có được coi là có khả năng phục hồi hay không.
Hai khó khăn này NHNN đã nhận diện được và đề nghị các bộ liên quan, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng thống nhất theo hướng: Giao NHTM chủ động đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng tại thời điểm đánh giá/thẩm định để quyết định việc cho vay cũng như quyết định việc hỗ trợ lãi suất; Trường hợp khách hàng sản xuất, kinh doanh đa ngành, lĩnh vực, khách hàng được hỗ trợ lãi suất có trách nhiệm tự xác định tại phương án vay vốn về phạm vi sử dụng vốn vay phục vụ cho ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng thương mại căn cứ vào phương án vay vốn của khách hàng để thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. Khách hàng chịu trách nhiệm về việc tự xác định này.
Giải thích thêm về vấn đề tâm lý e ngại từ phía ngân hàng cho vay và khách hàng vay, Phó thống đốc cho biết, do trước đây có một số gói HTLS đã triển khai và cũng khó khăn nhất định trong chuyện giải ngân, đặc biệt là khâu quyết toán nên các ngân hàng cho vay có tâm lý e ngại. Hơn nữa, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được HTLS từ nguồn ngân sách nhà nước. Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình HTLS từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về giải pháp thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số NHTM và chi nhánh NHTM tại các địa phương; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố để tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ. NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh của NHTM, doanh nghiệp.
HN
Xem thêm: 112125VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www