Thứ trưởng Trần Văn Thuấn - Ảnh: PHẠM THẮNG
Ngày 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề pháp luật, thảo luận về dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi).
Sẵn sàng chuyển giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam đấu thầu thuốc
Trả lời câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng nguyên nhân có nhiều, trong đó có cả chủ quan, khách quan.
Ông lý giải sau dịch nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt so với cùng kỳ, tăng 40 - 60% nhưng dự tính, dự trù không sát thực tế.
"Trong quá trình dịch vừa qua có tình trạng trên thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng. Cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là của người đứng đầu. Khách quan do một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua "quá tập trung" vào phòng chống dịch, ít người việc nhiều", ông Thuấn nêu.
Theo ông Thuấn, một số quy định, đặc biệt trong Luật đấu thầu bên cạnh thực hiện quy trình thông thường còn thêm quy trình trong trường hợp đặc biệt.
Ông Thuấn cho hay vừa qua bộ đấu thầu mua sắm tập trung đã giải quyết 86/106 loại thuộc thầu tập trung, biệt dược được 19/65 loại, còn lại thời gian tới hoàn thiện.
Bộ Y tế dự kiến chỉnh sửa thông tư 15 phân cấp phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới. Danh mục thu gọn lại thay vì 106 thuốc thì tới đây khoảng chục loại thôi.
Về ý kiến của Chủ tịch Quốc hội nên chăng để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia đấu thầu tập trung thuốc, ông Thuấn cho rằng nếu làm thế "quá tốt, giảm gánh nặng cho Bộ Y tế và bộ rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao".
Giải trình vướng mắc trong mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu Luật đấu thầu không vướng mà vướng ở nghị định, thông tư 14 về mua sắm trang thiết bị y tế và thông tư 15 về mua sắm thuốc của Bộ Y tế.
Theo ông Dũng, cái khó của bộ trong tình huống này là phải thẩm định từng gói thầu và xây dựng nghị quyết riêng của Chính phủ để Bộ Y tế thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong phòng chống dịch.
"Chúng tôi rất vất vả và gặp khó vì không thẩm định từng gói thầu không làm được, mà làm thì lại vướng", ông Dũng nói.
Vì thế, ông Dũng cho rằng những gì có thể cụ thể được trong luật thì cần luật hóa tối đa. Việc này để giảm công việc cho các bộ, ngành mà việc thực hiện vẫn thông suốt. Tới đây Bộ Y tế sẽ sửa thông tư 14 và thông tư 15 thì tình trạng chậm mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, thuốc sẽ khắc phục được.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: PHẠM THẮNG
Tình trạng "quân xanh, quân đỏ"
Trước đó nêu ý kiến về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói thực tế đấu thầu là lĩnh vực mà khi nói sẽ nghĩ ngay tới tình trạng "quân xanh, quân đỏ" và "nhiều nguy cơ tham nhũng".
Bà Nga đề nghị cần xác định rõ nguyên nhân tình trạng tham nhũng trong đấu thầu vừa qua do luật hay tổ chức thực hiện. Nếu do luật thì ở điểm, điều khoản nào và sửa ra sao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng khi nhắc tới đầu tư công, đấu thầu, đấu giá là mường tượng ngay tới việc thủ tục hành chính kéo dài, ách tắc.
Nhắc lại mục tiêu sửa luật lần này là khắc phục, xử lý tồn tại tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông thầu... song ông Huệ nói dự luật sửa đổi "chưa mạnh dạn đi thẳng vào vấn đề".
"Nếu nói do luật pháp thì ở chỗ nào? Nếu do thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, thiếu minh bạch, có lỗ hổng thì việc bịt lỗ hổng ra sao?", ông Huệ nêu và cho rằng, tiêu cực ở đây có nhiều nên để đảm bảo công khai, minh bạch cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, người đứng đầu.
Giải trình sau đó Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói luật sẽ sửa một số quy định, tiêu chí để đảm bảo cạnh tranh trong hồ sơ mời thầu và điều này nhằm hạn chế đấu thầu hình thức, tức "quân xanh, quân đỏ", gian lận trong đấu thầu.
Ông dẫn chứng các gói thầu yêu cầu đấu thầu rộng rãi nhưng bên mời thầu đưa ra điều kiện, tiêu chí mà qua đây đã nhìn thấy rõ ngay nhà thầu nào sẽ trúng thầu, tức cài cắm điều kiện khi mời thầu.
"Lần này sửa phải đảm bảo công khai minh bạch thông tin trong đấu thầu, hoàn thiện quy định về hành vi cấm trong đấu thầu, quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia…", ông Dũng nói thêm.
TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế tại Lâm Đồng có nhiều hợp tác xã kinh doanh rất hiệu quả nhưng không có một "tấc cắm dùi để làm trụ sở". Trong đó có chủ tịch hợp tác xã đi xe Porsche nhưng trụ sở làm việc lại ở nhà riêng.
Xem thêm: mth.60190857102902202-gnuhn-maht-od-nauq-hnax-nauq-tob-ed-uaht-uad-taul-aus/nv.ertiout