Bãi gửi xe ô tô vào "nhà thuốc" Mộc Nhân Đường (ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã được khóa chặt nhiều tháng nay (ảnh chụp ngày 18-9-2022) - Ảnh: Q.THẾ
Nhóm "lương y" dỏm này gồm: ông Nguyễn Sỹ Bằng, bà Nguyễn Thị Nghê, bà Nguyễn Thị Hường, bà Nguyễn Thị Hiền (cùng ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội), ông Hoàng Văn Tuấn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Họ quảng cáo hành nghề bốc thuốc nam, có nhà thuốc Mộc Nhân Đường (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Kể từ năm 2013 đến cuối năm 2021 thuốc nam không rõ nguồn gốc lấy mác từ nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường được tuồn đi khắp cả nước. Nhiều nạn nhân sau khi uống thuốc vào bệnh tình không thuyên giảm mà người lại mệt lả.
Chiều 20-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Tráng - trưởng Phòng Y tế huyện Mỹ Đức - cho biết đến nay trên địa bàn huyện Mỹ Đức không còn phòng khám, cơ sở hoạt động của nhóm "lương y" dỏm này.
"Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải nội dung, chúng tôi đã ra thông báo, phối hợp với nhiều đoàn kiểm tra đi thực tế nhưng những cơ sở này thường đóng cửa. Gần đây họ đã tháo dỡ biển hiệu, không còn hoạt động trên địa bàn", ông Tráng nói.
Ông Tráng cho biết thêm, nhóm này hoạt động chủ yếu trên mạng và "núp bóng" dưới danh nghĩa giấy phép phòng khám của cá nhân khác nên gây khó khăn cho xử phạt các vi phạm.
"Chúng tôi tiếp tục giám sát nếu phát hiện có cơ sở mới thì sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có UBND huyện Mỹ Đức, Sở Y tế TP Hà Nội xử lý ngay", ông Tráng cho biết thêm.
Phòng khám thuốc nam Hòa Bình của bà Nguyễn Thị Nghê ở thôn Đồi Dùng đã tháo dỡ biển hiệu - Ảnh: Q.THẾ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trường Huy - chủ tịch UBND xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) - cho biết: "Nhà thuốc tự xưng Mộc Nhân Đường không còn hoạt động. Biển hiệu bốc thuốc nam của ông Nguyễn Sỹ Bằng trên địa bàn xã Đồng Tâm cũng đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ".
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Ngự - phó chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) - cho hay phòng khám thuốc nam Hòa Bình của bà Nguyễn Thị Nghê ở thôn Đồi Dùng cũng đã tháo dỡ biển hiệu.
"Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh, chúng tôi đến kiểm tra nhiều lần nhưng không gặp bà Nghê. Theo tôi biết, căn nhà mà bà Nghê mới mua để mở phòng khám bán thuốc nam Hòa Bình cũng đã bán lại cho người khác và mấy tháng nay bà này không còn xuất hiện trên địa bàn", ông Ngự nói.
Bên trong phòng khám của ông Hoàng Văn Tuấn (ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình) không có người bệnh vào thăm khám như trước - Ảnh: Q.THẾ
Trước đó, ngày 17 và 18-12-2021, Tuổi Trẻ đăng tải hai bài về nhóm "lương y" dỏm trục lợi trên nỗi đau người bệnh. Họ dùng kênh YouTube quảng cáo chữa bách bệnh bằng lá rừng. Tin lời quảng cáo, nhiều người mắc bệnh mãn tính đặt mua thuốc qua mạng.
TTO - Từ đầu năm 2021, xuất hiện nhiều người tự xưng lương y, thần y quảng cáo rùm beng trên mạng xã hội YouTube, Facebook.