Giáo viên và học sinh trong một buổi học tại trung tâm H123 (Bình Dương) - Ảnh: KHÁNH VĨNH
Ông Trần Ngọc Đức - phó giám đốc chuỗi trung tâm Anh ngữ H123 hiện có 8 chi nhánh tại Bình Dương - cho biết từ tháng 3-2022 khi các cơ sở ngoại ngữ chính thức được phép hoạt động sau nửa năm đóng cửa vì COVID-19, đến nay trung tâm vẫn phải liên tục tuyển thêm người nhưng không đủ nhu cầu.
Hầu hết các cơ sở thiếu cả giáo viên Việt Nam lẫn nước ngoài, trong khi đó bước vào năm học 2022 - 2023, số lượng học sinh có nhu cầu ghi danh tăng gấp rưỡi, thậm chí có lúc gấp đôi so với trước dịch.
Tăng lương 30% cũng khó cạnh tranh
Ông Đức chia sẻ thêm trước đây nhiều trung tâm Anh ngữ tại Bình Dương thường không trực tiếp tuyển dụng mà sẽ nhờ một công ty trung gian. Công ty này sẽ đóng vai trò đầu mối, cam kết chất lượng giáo viên và cung ứng theo nhu cầu của từng nơi.
Chẳng hạn trước một học kỳ, một trung tâm ước tính cần 20 giáo viên cho một cơ sở thì công ty sẽ điều phối đúng số lượng. Tuy nhiên tới giờ một số công ty trung gian này cũng đang "khát" người, không đủ san sẻ lại cho các trung tâm.
Ông Đức lý giải lĩnh vực dạy tiếng Anh cần nhân sự cũng đúng vào lúc các doanh nghiệp lớn, đặc biệt những công ty có vốn đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu và làm mới đội ngũ sau thời kỳ đóng băng vì dịch bệnh. Những đợt tuyển dụng lớn với mức lương và những khoản đãi ngộ hấp dẫn thu hút các lao động biết ngoại ngữ.
Các trung tâm Anh ngữ lại là một trong những hoạt động được mở lại sau cùng trong điều kiện bình thường mới nên một số lượng không nhỏ giáo viên đã chuyển sang các ngành nghề khác. "Ngay cả với các giáo viên nước ngoài, mặt bằng lương đã tăng 20-30% nhưng vẫn khó giữ người" - ông Đức nói.
Tương tự, đại diện một chuỗi trung tâm Anh ngữ có hơn 5 cơ sở tại tỉnh Đồng Nai cho biết thiếu giáo viên tiếng Anh là một thực tế dai dẳng nhưng đại dịch là chất "xúc tác" khiến khó khăn này càng trầm trọng.
Hiện trung tâm phải áp dụng chính sách luân chuyển người. Chẳng hạn một giáo viên có thể chạy "show" giữa các chi nhánh trong hệ thống. Vào những ngày một số cơ sở có ít giờ dạy, các giáo viên ở đấy sẽ được điều phối đi hỗ trợ cho các nơi khác.
"Nghề tay trái"
Bà Cao Thị Ngọc - đại diện trung tâm Anh ngữ quốc tế EVAC (Bình Dương) - nhận định sau hai năm dịch bệnh, không ít giáo viên cảm nhận việc dạy cố định cho một trung tâm ngoại ngữ có phần không ổn định. Kinh nghiệm của họ cho thấy nếu có những sự cố bất ngờ như COVID-19, họ sẽ bị giảm, có khi không có lương, tùy vào nơi họ giảng dạy.
Vì vậy, bà Ngọc quan sát thấy ngày càng có nhiều giáo viên sẽ tìm một công việc chính thức ổn định, còn dạy tiếng Anh chỉ là hình thức cộng tác với các trung tâm.
Tương tự, ông Trần Ngọc Đức cho rằng tình hình rất khó thay đổi trong một sớm một chiều, đặc biệt với những trung tâm ngoại ngữ ở mức vừa và nhỏ. Ông phân tích hiện tại câu chuyện không chỉ là cạnh tranh nhân lực giữa các trung tâm với nhau, mà là cạnh tranh giữa nhân sự ngành giáo dục với các ngành nghề khác.
Với nguồn tiền dồi dào, các công ty trong những lĩnh vực khác có thể dễ dàng tạo khoảng cách xa trong việc thu hút lao động so với các đơn vị giáo dục vừa có nguồn vốn ít, lại "kiệt quệ" vì COVID-19. Ông cho biết:
"Trung tâm nào có tiềm lực tài chính, có các chính sách nhân sự tốt thì sẽ giữ được người. Nếu không, sẽ phải chấp nhận thực tế rằng một số trung tâm sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các giáo viên xem dạy học là "nghề tay trái". Thậm chí có người làm việc cho nơi khác từ thứ hai đến sáng thứ bảy, sau đó mới có thời gian trống dạy cho mình".
Theo ông Đức, bên cạnh việc tăng cường các chính sách đãi ngộ, một trong những lối ra về lâu dài sẽ là liên kết chặt chẽ hơn với các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tiếng Anh. Các trung tâm có thể đồng hành trong các hoạt động của khoa, của trường tổ chức để thu hút các sinh viên có thiện cảm với đơn vị của mình.
Hình ảnh về môi trường làm việc tại các trung tâm Anh ngữ sẽ hấp dẫn hơn và ít nhất có thể "kéo" được các sinh viên này về, ít nhất trong hai năm đầu sau tốt nghiệp.
Đại diện trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VMG) - hiện có hơn 10 cơ sở tại tỉnh Đồng Nai - cho biết để đáp ứng được nhu cầu giáo viên trong năm học mới, trung tâm phải liên tục đưa ra những chính sách thu hút mới.
Ngoài lương, thưởng trợ cấp, giáo viên có thể nhận thêm được những khoản tiền hoa hồng nếu giới thiệu thêm được các thầy cô chất lượng về "đầu quân" cho trung tâm. Khoản tiền hoa hồng này có thể lên đến 5 triệu đồng cho các giáo viên nước ngoài.
Làm 11 tiếng mỗi ngày
Trao đổi với Tuổi Trẻ, X.B. (24 tuổi, quốc tịch Tây Ban Nha) cho biết sau một tháng đầu tiên trở thành giáo viên toàn thời gian cho một hệ thống Anh ngữ lớn tại TP.HCM, X.B. cảm thấy "choáng" vì thời gian và khối lượng làm việc quá nặng.
X.B. cho biết do hiện số giáo viên nước ngoài của hệ thống chỉ mới bằng 70% nhu cầu, anh cùng các đồng nghiệp phải "gánh" thêm một số tiết dạy thiếu người đứng lớp ở trung tâm.
"Mỗi ngày, tổng thời gian tôi đi làm đến 11 tiếng. Tất nhiên trung tâm rất tử tế, trả thêm tiền ngoài giờ nhưng thật sự khối lượng công việc rất nặng vì thiếu người. Ngoài chuyện đứng lớp còn là các công việc sổ sách, giấy tờ tốn thêm nhiều thời gian. Tôi thường phải được luân chuyển đi nhiều trung tâm ít giáo viên, có khi ở Thủ Đức, có khi ở quận 1, có khi ở Gò Vấp" - X.B. nói.
Giữ chân giáo viên
Một trong những giải pháp mà trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VMG) đang triển khai để giữ người là cơ hội phát triển cho giáo viên. Trước nay, nhiều người cho rằng việc đi dạy ở các trung tâm ngoại ngữ thường khó giúp bản thân bứt phá hơn là làm ở các công ty trong những lĩnh vực khác.
Vì vậy, trung tâm sẽ tạo điều kiện cho những lao động tham gia các khóa học phát triển năng lực. Các khóa học có mức hỗ trợ tài chính càng lớn khi nhân sự cam kết gắn bó càng lâu dài với trung tâm.
TTO - Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là một nhiệm vụ bắt buộc và quan trọng của giáo viên để cập nhật kiến thức mới, đáp ứng xu thế phát triển.