Một số người dân giao đất cho hai dự án bệnh viện giờ không có đất, không có việc làm - Ảnh: NAM TRẦN
Một số người dân từng giao đất làm dự án giờ không có đất canh tác, phải chạy xe ôm để kiếm sống. Nhiều người khác từng kỳ vọng hai dự án này sẽ làm "thay da đổi thịt" cho địa phương, đem lại việc làm cho con em trong khu vực, đều thất vọng khi nhìn hai công trình này phơi nắng, phơi sương.
Với một chiếc bàn, vài ba cái ghế, chị N.T.H. (TP Phủ Lý, Hà Nam) ngồi bán nước cạnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Trước kia, khi phòng khám ở đây đi vào hoạt động trong một thời gian, quán nước của chị H. cũng đông khách nhưng bây giờ thi thoảng mới có người ghé.
"Gia đình tôi trước đây nằm trong diện tích đất xây dựng bệnh viện. Đất thuộc diện giải tỏa, lúc đó hơn 1.000m2 được đền bù tổng cộng hơn 2 tỉ đồng. Đất ruộng có 6 - 7 sào cũng được đền bù hơn 70 triệu đồng. Sau khi được đền bù, chúng tôi đi mua đất rồi xây nhà cũng gần hết số tiền đó", chị H. chia sẻ.
Cũng như nhiều người dân khác có đất nằm trong dự án xây bệnh viện, theo chị H., khi giao đất cho Nhà nước làm bệnh viện, gia đình chị hy vọng sẽ được hưởng lợi vì có bệnh viện gần nhà. Vừa đi lại khám chữa bệnh gần nhà vừa có thể mở dịch vụ, quán xá cho bệnh nhân các nơi đến thì cuộc sống cũng khá hơn.
Thế nhưng không ngờ, sau tám năm xây dựng, bệnh viện vẫn chưa được làm xong, mãi không thấy hoạt động. "Bây giờ đất ruộng không có để trồng lúa, gạo đi đong, công việc cũng không có. Nếu xây nhà máy, xí nghiệp ở đây thì ít ra cũng có việc để đi làm rồi", chị H. nói.
Ông Nguyễn Công Chính (78 tuổi, tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, Hà Nam) nhìn về phía Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vẫn còn đóng cửa bức xúc: "Không khéo mà đến lúc tôi "đi" vẫn còn chưa được thấy bệnh viện hoạt động".
"Tôi vẫn nhớ như in năm 2014, ngày khởi công bệnh viện có Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó, rất đông lãnh đạo ban ngành về dự. Chúng tôi cũng rất vui vì sắp có bệnh viện tuyến trung ương ngay cạnh nhà. Tuổi đã cao nên nếu không may đau ốm cũng không phải đi xa nữa. Rồi con cháu cũng có việc làm, tôi sẽ kiếm một chỗ nhỏ lề đường để bán nước", ông Chính kể.
Thế nhưng đến nay, đã tám năm trôi qua bệnh viện này vẫn chưa mở cửa. "Tôi rất nhớ câu nói "lãng phí còn hơn cả tham nhũng", bệnh viện xây xong nhưng không thể hoạt động là sự lãng phí. Nếu đất đó, tám năm nay người dân làm được bao nhiêu lúa gạo thì bây giờ để cỏ mọc hoang. Là người dân, chính tôi còn cảm thấy đau xót trước sự lãng phí đó", ông Chính bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Sĩ (63 tuổi, tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý), người đang chạy xe ôm để kiếm sống, cho biết gia đình ông có 5 sào đất ruộng đã bị thu hồi để xây dựng dự án. Do không còn ruộng, vả lại ở tuổi này rồi đi xin việc cũng khó khăn nên ông chỉ biết chạy xe ôm để kiếm sống, nhưng khách cũng không đông nên chỉ đủ ăn".
"Trước kia, trong làng đất chỉ có giá 3 - 4 triệu đồng/m2. Mấy năm nay, giá đất cũng tăng gấp đôi. Đất thì tăng vậy nhưng việc làm không có, thu nhập không ổn định thì lấy tiền đâu mà mua. Đất trong làng còn vậy, những lô đất bên ngoài phân lô có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhiều nhà con cháu đông cũng khó khăn nếu muốn mua đất cho con", ông Sĩ than.
TTO - Trong khi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đều quá tải, đến nay Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 vẫn là hai công trình gần như bỏ hoang sau gần 10 năm được khởi công xây dựng với tổng số vốn gần 10.000 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.26053939012902202-mal-ceiv-oc-gnohk-gnuc-gnour-mal-tad-noc-gnohk/nv.ertiout