vĐồng tin tức tài chính 365

Tranh luận đổi hay không đổi tên Luật Hợp tác xã

2022-09-22 06:34

Trong hai ngày 20 và 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp cho ý kiến và Đoàn đại biểu QH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý kiến dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi) chuẩn bị trình trước kỳ họp thứ tư của QH vào tháng 10 tới đây.

Đổi tên để phù hợp với hiến pháp và văn kiện của Đảng

Tại hội thảo do Đoàn đại biểu QH TP.HCM tổ chức ngày 21-9, mặc dù vẫn còn vài ý kiến khác nhưng cơ bản các đại biểu tham dự đều lựa chọn phương án sử dụng tên dự án luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thay cho phương án giữ tên cũ là Luật HTX.

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, phương án lựa chọn tên dự án luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là cần thiết và phù hợp. Vì các văn kiện Đảng, nhất là văn kiện Đại hội XIII đều sử dụng khái niệm “kinh tế tập thể”. Bên cạnh đó, tại các điều 15, 16, 51 Hiến pháp Việt Nam cũng sử dụng khái niệm “sở hữu tập thể” và “kinh tế tập thể” khi nói về cơ cấu thành phần kinh tế quốc gia. Việc sử dụng tên Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ phù hợp hơn, đáp ứng tính thống nhất với hiến pháp, các văn bản của Đảng.

Tranh luận đổi hay không đổi tên Luật Hợp tác xã  ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9. Ảnh: Quochoi.vn

Dự án luật quy định về đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh đều gắn với các tổ chức kinh tế hợp tác. Vì vậy, sử dụng tên Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác đáp ứng các yêu cầu nội dung bao trùm, chính xác hơn. Cùng với đó, việc sử dụng tên mới sẽ góp phần nâng tầm giá trị hoạt động xây dựng luật, phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với loại thành phần kinh tế đang ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Phản biện với ý kiến cho rằng cần giữ nguyên tên Luật HTX để đảm bảo tính ổn định cũng như công tác tuyên truyền pháp luật, bà Trương Thị Hòa nhấn mạnh: Vấn đề này đã được giải quyết tại khoản 3 Điều 117 “Các quy định dẫn chiếu đến Luật HTX năm 2012 còn hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo quy định của luật này”.

Tranh luận đổi hay không đổi tên Luật Hợp tác xã  ảnh 2

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, phát biểu góp ý dự thảo luật. Ảnh: TTXVN

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Minh Nhựt (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) và luật sư Nguyễn Đức Nghĩa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP) cho rằng dự án Luật HTX sửa đổi đã có rất nhiều điều chỉnh, bổ sung mới liên quan đến nhiều đối tượng, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hình thành một số chủ thể kinh tế hợp tác mới. Vì vậy, luật mới thay thế Luật HTX năm 2012 nên sử dụng tên là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thể hiện nội dung của đối tượng điều chỉnh chủ yếu và có tính thống nhất trong vấn đề này đối với các luật khác.

Chính phủ: Đổi tên để phát triển

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong phần trình bày tờ trình dự án luật tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH cho biếtcơ quan soạn thảo dự án luật mong muốn những sự bổ sung, sửa đổi Luật HTX năm 2012 sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý phù hợp với thực tế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia trong tình hình mới. Do đó, Chính phủ đề nghị đổi tên từ Luật HTX hiện hành thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH (cơ quan thẩm tra) đề nghị giữ tên như luật hiện hành. Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho rằng tên gọi cũ rất hay, có lịch sử truyền thống. Gọi tên tổ chức kinh tế HTX, hợp tác là coi chừng lại nhầm sang các loại hình kinh tế khác. Bản chất của loại hình này là tự nguyện, khác với một số loại hình kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân khác, tự nguyện góp, tự nguyện chi, tự nguyện thỏa thuận để dùng, bản chất của tự nguyện là rất quan trọng. Nếu ta nghĩ ra tên khác thì xem thử cơ sở lý luận thực tiễn.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng: Về tên gọi, nên giữ tên gọi HTX. Tuy nhiên, nếu giữ tên gọi là Luật HTX thì phải sửa lại cách bố cục của cả dự thảo. Hiện Chính phủ xin ý kiến hai phương án, một phương án như dự thảo luật là Luật Kinh tế hợp tác, một phương án là Luật HTX. Nhưng hiện nay, toàn bộ dự thảo đang thiết kế theo phương án Chính phủ chọn. Từ “kinh tế hợp tác” đúng là không phù hợp. TN ghi

Cần quy định chặt để không xảy ra chiếm hữu vốn

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý kiến dự án Luật HTX (sửa đổi) tập trung vào các quy định về thành viên, nghĩa vụ thành viên HTX, những quy định liên quan đến hoạt động góp vốn, quản lý tài sản, nguồn vốn…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tên hợp tác xã đã gắn với lịch sử

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đồng tình là nên giữ tên gọi cũ là Luật HTX (sửa đổi). Vì lẽ:

Thứ nhất, khái niệm tên HTX gắn với lịch sử phát triển của chúng ta rất nhiều. Bên cạnh Luật Doanh nghiệp thì có Luật HTX. Luật HTX năm 1996, Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012 đều lấy tên này cả. Quốc tế có Liên minh HTX, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có tổ chức này, tên gọi đó đã ăn sâu thành thói quen rồi, kể cả truyền thông, kể cả pháp luật dẫn chiếu nó thuận lợi nên sửa tên không cần thiết.

Thứ hai, bản thân tên gọi là Luật HTX cũng không ngăn cấm việc chúng ta bổ sung phạm vi điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Ví dụ, chúng ta nói là Luật Đầu tư công nhưng nhiều nội dung không tuân thủ Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn chúng ta vẫn đưa được vào trong Luật Đầu tư công, như các khoản thu của các đơn vị sự nghiệp... Ý Chính phủ đề xuất là muốn có một tên bao quát, đầy đủ hơn..., tôi nghĩ là không nhất thiết phải sửa tên. Còn nếu nhất thiết cần phải sửa thì cũng không có câu nệ gì chuyện sửa cả nhưng tóm lại là vẫn nên giữ. TN ghi

Góp ý cụ thể vào một số nội dung trong dự án Luật HTX (sửa đổi), ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhấn mạnh cần quy định không cho phép chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 150) để đảm bảo tính HTX của các tổ chức kinh tế hợp tác và tránh nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia có khả năng thay đổi địa vị pháp lý các thành viên để thâu tóm, chi phối hoạt động, thậm chí chiếm hữu vốn quỹ, tài sản tích lũy không chia của tổ chức kinh tế hợp tác.

Từ thực tế hoạt động của Saigon Co.op, ông Vũ Anh Khoa kiến nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung “vốn hoạt động” trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân để thể hiện thực chất quy mô hoạt động cũng như tạo điều kiện cho quá trình giao dịch với đối tác hoặc huy động vốn tín dụng. Vì hiện nay, đa số vốn điều lệ (vốn góp của các thành viên) thường rất nhỏ, trong khi nguồn vốn từ quỹ chung không chia và tài sản chung không chia có thể rất lớn nhưng không được ghi nhận trong vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, ông Vũ Anh Khoa kiến nghị cần xem xét, nghiên cứu luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội trong các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có quy mô lớn.

Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến kỹ thuật lập pháp, sửa chữa, bổ sung câu chữ văn bản để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với thực tế như sử dụng khái niệm “cư trú” thay cho “thường trú”; sử dụng “CCCD” thay cho chữ “thẻ CCCD”…

Xem thêm: lmth.656996tsop-ax-cat-poh-taul-net-iod-gnohk-yah-iod-naul-hnart/nv.olp

“Tranh luận đổi hay không đổi tên Luật Hợp tác xã”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools