8 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,19 triệu tấn, trị giá trên 1,02 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8/2022 cả nước nhập khẩu 246.015 tấn phân bón, tương đương 112,53 triệu USD. Giá trung bình 457,4 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 7/2022, với mức tăng tương ứng 45,8%, 68,3% và 15,4%.
So với tháng 8/2021 thì giảm mạnh 28,6% về lượng, nhưng tăng 4% kim ngạch và tăng mạnh 45,6% về giá.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 48,2% trong tổng lượng và chiếm 42,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 1,06 triệu tấn, tương đương 434,27 triệu USD, giá trung bình 411,2 USD/tấn; giảm 26,9% về lượng, nhưng tăng 9% về kim ngạch và tăng mạnh 49% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp đến là thị trường Nga, chiếm 6,9% trong tổng lượng và chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch, với 150.457 tấn, tương đương 97,72 triệu USD, giá trung bình 649,5 USD/tấn; giảm 42,3% về lượng, nhưng tăng 14,5% về kim ngạch và tăng 98,3% về giá so với 8 tháng đầu năm 2021.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 179.822 tấn, tương đương 112,67 triệu USD, giảm mạnh 53,7% về lượng, giảm 15% kim ngạch so với cùng kỳ; chiếm 8,2% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,59 triệu tấn, tương đương 645,13 triệu USD, giảm 25,8% về lượng nhưng tăng 8,6% kim ngạch so với cùng kỳ; chiếm 72,7% trong tổng lượng và chiếm 63% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTPP đạt 383.117 tấn, tương đương 130,95 triệu USD, giảm 7,2% về lượng nhưng tăng 56% kim ngạch so với cùng kỳ; chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, giảm các thủ tục hành chính
Tại buổi tọa đàm ““Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón” do báo Công Thương tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước.
“Đến nay, các doanh nghiệp đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình giá và nguồn cung phân bón còn diễn biến phức tạp, ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hệ, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến.
Cùng với đó, để giảm giá phân bón, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hòa lợi, ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất.
Đồng quan điểm về việc tăng cường nguồn cung, giảm giá thành phân bón, TS.Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước; các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
“Theo kinh nghiệm cho thấy khi bảo đảm tốt sản xuất trong nước như 4 nhà máy sản xuất urea, DAP, phân bón chứa lân,… chúng ta có thể chủ động và vững vàng vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu phân bón, của xung đột trên thế giới, hay do lệnh cấm vận…”, TS.Phùng Hà nêu dẫn chứng và đề nghị xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu.
Không những vậy, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, giảm các thủ tục hành chính cũng góp phần giảm giá thành. Về lâu dài để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, về phía cộng đồng, người dân cũng cần tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để phát triển phân hữu cơ, giảm một phần phụ thuộc vào phân vô cơ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai giám sát giá cả trên thị trường, bảo đảm giá cả để không biến động quá, làm ảnh hưởng thị trường phân bón…
Hương Anh (tổng hợp)