Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang). |
Theo đó, các tuyến cao tốc được phân chia thành các dự án thành phần và phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo địa giới hành chính. Trường hợp ranh giới, địa giới hành chính nằm giữa các vị trí công trình cầu, hầm hoặc nút giao thì toàn bộ công trình cầu, hầm hoặc nút giao sẽ thuộc về một dự án thành phần.
Theo Quyết định, đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, Chính phủ giao UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1, UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2, UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3 và UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản dự án thành phần 4.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài hơn 188km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỉ đồng, đi qua địa bàn tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Điểm đầu của dự án kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối giao đường Nam Sông Hậu kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).
Chính phủ yêu cầu khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 30-6-2023.
Tại Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc phía Nam mới đây, lãnh đạo bốn tỉnh, thành có dự án đi qua cho hay địa phương đã chuẩn bị sẵn tất cả các điều kiện cần thiết để triển khai dự án.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác khảo sát thực địa tại điểm đầu dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: BT |
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thời gian qua, tỉnh đã phối hợp chặt với Bộ GTVT rà soát và hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cạnh đó, định hướng điều chỉnh quy hoạch phát triển của tỉnh phù hợp với điều kiện đường cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2026. đồng thời, tỉnh Hậu Giang đã có văn bản đóng góp, kiến nghị và thống nhất các nội dung của hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Về bố trí vốn cho dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về bố trí vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền hơn 823 tỉ đồng. UBND tỉnh cũng đã giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án.
“Như vậy, nguồn vốn chuẩn bị công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã sẵn sàng. Khi đơn vị tư vấn bàn giao cọc mốc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai ngay công tác đo đạc, kiểm đếm và lập các thủ tục thu hồi đất theo quy định.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện có dự án đi qua tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về việc triển khai dự án. Từ đó, hạn chế thấp nhất việc thay đổi mục đích sử dụng đất, tăng cường công tác quản lý công tác xây dựng trái phép để thuận lợi cho công tác triển khai giải phóng mặt bằng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm.
Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc phía Nam. Ảnh: BT |
Đối với đoạn qua tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh này cho hay HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết, cam kết bố trí 1.000 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện GPMB cho dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan liên quan và lãnh đạo UBND các huyện có dự án đi qua tiến hành rà soát hướng tuyến, số hộ dân bị ảnh hưởng, nhu cầu tái định cư... Từ đó, tỉnh Sóc Trăng đã lập quy hoạch bảy khu tái định cư đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ dân di dời.
Lãnh đạo các tỉnh có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đi qua cũng nêu những khó khăn sẽ gặp khi triển khai dự án. Cụ thể, có địa phương thiếu hoặc không có mỏ đá làm vật liệu đắp nền đường, đa số phải mua từ nơi khác chuyển về. Công tác xác định giá vật liệu đến chân công trình còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều yếu tố, do đó, có thể xảy ra tình trạng mỗi tỉnh mỗi giá, không đồng nhất...
- Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang, TP Cần Thơ với chiều dài hơn 57km, tổng mức đầu tư khoảng 13.800 tỉ đồng.
- Dự án thành phần 2 trên địa bàn TP Cần Thơ với chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỉ đồng.
- Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang với chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.900 tỉ đồng.
Dự án thành thành phần 4 nằm trên địa bàn 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng với chiều dài hơn 56 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỉ.