Lãi suất điều hành tăng thêm 1%, lãi suất thị trường sẽ không đứng yên, chi phí vốn của doanh nghiệp sẽ tăng, nhưng không đồng nghĩa tác động tiêu cực tới toàn bộ các doanh nghiệp trên sàn.
"Một số doanh nghiệp có tỷ lệ gửi tiền tiết kiệm cao giúp gia tăng lợi nhuận thu nhập tài chính của họ. Tuy nhiên với số đông doanh nghiệp, có doanh nghiệp vay nợ nhiều, những nhón ngành như bất động sản có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của họ", ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích, Công ty chứng khoán Mirae Asset, cho biết.
Tuy nhiên, theo quan điểm chung của các thành viên thị trường, việc nâng lãi suất điều hành sau 2 năm đứng yên là cần thiết, trong bối cảnh lãi suất đã tăng mạnh trên toàn cầu. Việc điều chỉnh này giúp làm giảm áp lực lên tỷ giá, kiểm soát lạm phát và góp phần bảo toàn giá trị đầu tư.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Mức tăng lãi suất ở Việt Nam còn rất ít so với các nền kinh tế trên thế giới. Mức tăng trưởng đã đạt được trong 2 quý đầu năm, thậm chí là quý 3 đều rất tốt. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất hấp dẫn so với các nền kinh tế trên thế giới", bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Đầu tư - VinaCapital, đánh giá.
Theo VinaCapital, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết bình quân ở mức 25 - 26% trong năm nay, dự báo năm sau vẫn có thể đạt mức 15 - 20%.
Chưa kể, định giá thị trường P/E hiện chỉ khoảng 11 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 16 lần các nước trong khu vực ASEAN, là những điểm sáng để thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư. Trong quý 3, vốn ngoại vào ròng thị trường khoảng 35 triệu USD.
Cũng theo nhận định của quỹ ngoại Pyn Elite Fund, chứng khoán Việt Nam đang đặc biệt rẻ khi tính triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới. Dự báo của Bloomberg cho tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm nay còn lên đến 30%.
VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!