vĐồng tin tức tài chính 365

Bài 1: Muôn nẻo đường buôn lậu

2022-09-23 12:57

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường nên tình hình BL, GLTM và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa các tỉnh biên giới Tây Nam, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Nhộn nhịp "chợ hàng lậu"

Các mặt hàng lợi dụng để BL, GLTM và hàng giả chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, sản phẩm và nguyên liệu may mặc, sắt, thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, linh kiện điện tử, ĐTDĐ, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, rượu, bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã. Tình trạng BL, GLTM nổi lên là các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang...

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021). Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về BL thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời.

Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động BL, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả giảm so với cùng kỳ năm 2021, song còn diễn biến phức tạp ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Tuyến biên giới các tỉnh phía Nam, phức tạp nhất là tại địa bàn Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp... mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, thuốc tân dược, hàng tiêu dùng, nông sản... Đặc biệt, giá vàng trong nước tăng mạnh so với giá vàng thế giới nên các đối tượng tăng cường hoạt động BL, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới.

Lúa nhập lậu bị Công an An Giang tạm giữ

Thuốc lá tràn biên

Hoạt động BL thuốc lá diễn ra phức tạp nhất phải kể đến là tuyến biên giới Long An, An Giang, Kiên Giang... Chỉ trong tháng 8 và nữa đầu tháng 9, lực lượng chức năng của các tỉnh này đã liên tục khám phá, bắt giữ nhiều vụ BL thuốc lá số lượng lớn trên địa bàn.

Tại An Giang, khoảng 11 giờ 30 ngày 04-9, Tổ công tác Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn tổ chức mật phục chống BL tại khu vực mốc 266/2 (khóm Vĩnh Chánh 3, P.Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang), phát hiện một đối tượng đang điều khiển thuyền máy đi từ Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Khi phát hiện Tổ công tác, đối tượng liền tăng ga bỏ chạy. Tổ công tác tiến hành truy đuổi và bắt giữ Nguyễn Văn Hùng Em (SN 1979, ngụ P.Vĩnh Nguơn) cùng tang vật là 1.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.

Cùng ngày, tại một ki-ốt vắng chủ trong Trung tâm thương mại Núi Sam, Tổ công tác Công an phường Núi Sam phát hiện một đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành tiếp cận kiểm tra. Phát hiện Tổ công tác, đối tượng bỏ lại xe máy cùng tang vật để tẩu thoát. Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe đối tượng bỏ lại và trong ki-ốt có cất giấu 329 bao thuốc lá các loại.

Tại ki-ốt và tủ sắt vắng chủ trong Trung tâm thương mại Núi Sam, công an tiếp tục thu giữ 1.496 bao thuốc lá. Tiếp đó, 5 giờ 10 ngày 6-9, tại khu vực khóm Hòa Hưng (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên), Tổ công tác Liên ngành chống BL tỉnh An Giang bắt quả tang Tô Trúc Nga (SN 1993, ngụ P.Châu Phú A, TP.Châu Đốc) điều khiển xe máy BS: 51R3- 2763 vận chuyển 1.070 bao thuốc lá ngoại nhập lậu được cất giấu dưới các bọc muối.

Nga khai nhận, vận chuyển thuê số thuốc lá lậu trên từ bờ kênh Vĩnh Tế (xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc) đến huyện Tịnh Biên tiêu thụ thì bị bắt. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục xử lý theo quy định.

Đường nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Tại Long An, trong ngày 06-9, Đội QLTT số 2 tổ chức mật phục trên tuyến Quốc lộ 62 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), đến 2 giờ ngày 07-9, phát hiện 2 ôtô 4 chỗ BS: 83A-064.03 và 83A-083.69 đậu ven đường có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra. Khi phát hiện lực lượng, một số đối tượng đã bỏ chạy để lại 2 phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện trên 2 xe 1.700 bao thuốc lá các loại. Đoàn công tác quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện đưa về trụ sở Đội QLTT số 2 để xác minh, tìm chủ sở hữu.

Ngày 29-8, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Kiên Giang phối hợp Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện An Biên kiểm tra xe tải BS: 69C-064.73, phát hiện trên xe có chứa 1.400 bao thuốc lá điếu các loại. Riêng tại Tây Ninh, liên tiếp trong những ngày cuối tháng 8, Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã ra quân ngăn chặn 2 vụ với 3 đối tượng vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại nhập lậu, thu giữ 3.000 bao thuốc lá ngoại các loại.

Đường cát, hàng tiêu dùng thẩm lậu qua biên giới

Sau thuốc lá điếu, đường cát và hàng tiêu dùng có lẽ là nhóm hàng hóa được buôn lậu nhiều nhất. Tại Long An, các đơn vị chức năng liên tục khám phá, bắt giữ số lượng lớn đường cát "thẩm lậu" qua biên giới. 2 giờ ngày 12-9, trên tuyến Quốc lộ 62 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Long An ngăn chặn kịp thời xe ôtô tải vận chuyển 110 bao đường cát (5,5 tấn) do nước ngoài sản xuất, nhập lậu.

Trước đó, ngày 25-8, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh thi hành lệnh bắt 3 đối tượng về tội buôn lậu và mở rộng khám xét một cơ sở kinh doanh đường cát trên địa bàn huyện Tân Hưng, thu giữ tổng cộng gần 200 tấn đường cát nhập lậu.

Cũng trên địa bàn Long An, ngày 05-9, tại khu vực kênh 79 (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh), Đội QLTT số 5 phát hiện, tạm giữ 1.100kg quần áo đã qua sử dụng và 1.300 kg vải da vụn nghi nhập lậu từ Campuchia. Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 5 tiến hành xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Hàng nhập lậu bị Công an An Giang bắt giữ

Tại An Giang, khoảng 5 giờ 10 ngày 08-9, tại khu vực biên giới thuộc tổ 5 (khóm Vĩnh Chánh, P. Châu Phú A, TP.Châu Đốc), Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Thị Kim (SN 1983) và Nguyễn Thị Bế (SN 1983, cùng ngụ P.Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc) đang tập kết dưới sàn nhà số 362 (cặp bờ kênh Vĩnh Tế) 14.000 viên thuốc có dòng chữ Trung Quốc, 36 chai nước Yến xuất xứ Thái Lan, 5kg nhang muỗi Thái Lan, 132 hủ dầu cù là và 37kg quần áo lót nữ không rõ nguồn gốc. Tổng trị giá hàng hoá khoảng 125 triệu đồng.

Trước đó, ngày 30-8, trên tuyến N1 (thuộc khóm Hòa Bình, P.Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc), các đơn vị chức năng phát hiện 4 xe tải vận chuyển số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá hàng hóa khoảng 490 triệu đồng. Ngày 24-8, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp Công an xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn) và Đồn biên phòng Lạc Quới bắt quả tang vụ vận chuyển trên 70 tấn lúa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam...

Nhức nhối buôn lậu xăng dầu trên biển

Tình hình tội phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ, găm hàng chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu, pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ.

Ngày 11-9, tại khu vực cặp lề đường Quốc lộ 91 (P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên), Cục QLTT An Giang phối hợp Công an An Giang khám xe tải BS: 67C-054.62 do phát hiện có đấu hiệu nghi vấn. Qua đó, phát hiện trên xe vận chuyển 18 thùng (200 lít/thùng) dầu động cơ LLP Lube; 12 thùng (200 lít/thùng) dầu động cơ EMIXX; 99 thùng (18 lít/thùng) dầu thủy lực Hydraulic Oil HLP 68 (LLP Lube). Toàn bộ số dầu này đều là hàng mới, không có nhãn hàng hóa, chưa xác định được nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài số dầu nêu trên, Tổ công tác còn phát hiện trên xe ô tô vận chuyển 6.450 gói khăn ướt hiệu Lovesky, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định; gần 1.000 chai dung dịch xúc rửa động cơ hiệu JetCleaner Diesel Engines và hiệu Fuel Injector Cleaner... Tổng trị giá hàng hóa khoảng 400 triệu đồng.

Dầu DO nhập lậu do Cảnh sát biển bắt giữ

Trước đó, khoảng 20 giờ đến 21 giờ ngày 02-9, khi tuần tra trên khu vực biển Tây, Tổ công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện 2 tàu cá mang số hiệu KG 94117 TS và KG 94931 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu KG 94117 TS có 3 thuyền viên do ông Đỗ Văn Chung (SN 1969) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO, còn tàu KG 94931 TS có 4 thuyền viên do ông Nguyễn Văn Long (SN 1972, cùng ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, vận chuyển khoảng 45.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa...

Từ các vụ việc do lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ, xử lý cho thấy, các vụ việc thường có số lượng lớn, giá trị hàng hóa lên đến nhiều tỷ đồng, vì vậy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng rất tinh vi, thay đổi liên tục khiến cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển thường móc nối giao nhận hàng hóa, tiền thông qua trung gian, hoạt động khép kín. Việc giao, nhận xăng, dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại diễn ra trên đất liền; người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ liên lạc qua điện thoại bằng sim "rác" nên việc xác định chủ đầu nậu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý tận gốc gặp nhiều khó khăn.

(Còn tiếp...)

Minh Thư

Xem thêm: lmth.653731_ual-noub-gnoud-oen-noum-1-iab/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Bài 1: Muôn nẻo đường buôn lậu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools