Theo đó, TPHCM hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TPHCM giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Cụ thể, đào tạo tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm; triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Mặt khác, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Trong đó, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin và quảng bá các sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành tham gia khảo sát thị trường, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp về kích cầu đầu tư như: Triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ. Cụ thể, tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý chuyên ngành và các hệ thống tích hợp mới phù hợp. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng các công cụ năng suất phù hợp, cải tiến hoạt động đo lường; áp dụng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ để bảo vệ và khai thác có hiệu quả các kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ.
Ngoài ra, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; triển khai các giải pháp bảo vệ thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm; xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm đến năm 2030; đề xuất khu vực phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm; tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực - thực phẩm.