Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) An Giang cho biết, ngày 23-9, các Đội QLTT tiếp tục giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Cụ thể, qua tổ chức giám sát 560 cơ sở kinh doanh xăng, có 556 cơ sở đang hoạt động bình thường; bốn cơ sở tạm ngưng hoạt động đã được Sở Công Thương chấp thuận do gia đình có hỷ sự, sửa chữa cơ sở vật chất,… không phát sinh mới cửa hàng hết xăng dầu.
Ngày 23-9, trên địa bàn tỉnh An Giang không phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng QLTT An Giang giám sát các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT An Giang |
Trước đó, từ ngày 13-9 trên địa bàn tỉnh An Giang có 10 cửa hàng ngừng hoạt động. Trong đó, có một đơn vị ngưng hoạt động hơn một năm đã được Phòng Đăng ký kinh doanh huyện Tịnh Biên ra thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Các cửa hàng xăng dầu ngừng hoạt động gồm các lí do kinh doanh thua lỗ, chiết khấu âm, không có vốn nên công ty không mua xăng dầu rót cho các cửa hàng bán lẻ; do khả năng cạnh tranh yếu, doanh số thấp, kinh doanh không hiệu quả.
Có cửa hàng vì sửa đường cấm tải nên các công ty vận chuyển xăng dầu không vận chuyển qua tuyến đường có cửa hàng hoạt động hoặc cửa hàng xăng dầu do không có người làm và chủ cơ sở phải điều trị bệnh...
Một số trường hợp Sở Công Thương đã có văn bản trả lời không đồng ý cho tạm ngưng hoạt động và có công văn thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Song song đó, Cục QLTT tỉnh An Giang cũng đã trực tiếp đến làm việc và ghi biên bản sự việc và có phương án xác minh cụ thể từng trường hợp để có cơ sở báo cáo cấp trên. Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng ngày, đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại xăng dầu M.T tỉnh Bến Tre cho biết, vừa có đơn gửi đến Sở Công Thương tỉnh Bến Tre thông báo thời gian dừng bán hàng.
Theo vị này, công ty xin tạm dừng bán hàng trong vòng 29 ngày, từ ngày 26-9 đến 24-10.
Lý do xin tạm dừng bán hàng do công ty kinh doanh thua lỗ và mất khả năng thanh toán tiền mua hàng.
Trao đổi với PLO, đại diện doanh nghiệp này cho biết, hiện nay chiết khấu rất thấp nên cửa hàng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử sau khi xăng dầu giảm giá ngày 22-9, mức chiết khấu xăng, dầu nhận được 300 đồng/lít khi mua từ kho Nhà Bè (TP.HCM), chỉ đủ chi phí vận chuyển.
Tính ra một lít xăng dầu, khi bán ra trước mắt cửa hàng đã lỗ 400 đồng tiền chi phí nhân viên bán hàng, chưa kể lãi suất tăng cùng các chi phí khác. Từ tháng 7 đến nay, tháng nào cửa hàng này cũng lỗ, ít nhất 300 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi kiến nghị các Bộ ngành xem xét xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu để các đại lý bán lẻ có hoa hồng đủ để trang trải chi phí để hoạt động phục vụ khách hàng” - đại diện doanh nghiệp này nói.